Cần nâng cao nhận thức của bà con trong việc bảo vệ và phát triển rừng
CôngThương - Nâng cao chất lượng rừng
Có thể nói, rừng có một vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội quốc gia mà còn đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, điều hoà khí hậu, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của các thiên tai, bảo tồn nguồn nước mặt, nước ngầm...
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, rừng ở nước ta, nhất là rừng tự nhiên đã bị suy giảm do nạn chặt phá rừng, đốt rừng để khai thác gỗ, lấy đất trồng cấy hay chuyển đổi diện tích rừng cho mục đích khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện... Đây chính là nguyên nhân gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều đồng bào trên cả nước.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thủy điện, giai đoạn từ 2006 - 2013 đã có 205 dự án công trình thủy điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố được cấp phép, chuyển mục đích sử dụng khoảng 19.805 héc-ta rừng. Tuy nhiên việc trồng rừng thay thế tại 11 địa phương mới đạt 2.751 (khoảng 13%).
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Bằng nhiều nỗ lực của Nhà nước và người dân, năm 2013, cả nước đã trồng được trên 227.000 héc-ta rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hơn 372.000 héc-ta rừng, trồng cây phân tán được 75,2 triệu cây, khoán quản lý bảo vệ trực tiếp trên 4,1 triệu héc-ta rừng. Tính đến nay tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 41%.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy nhanh trồng rừng thủy điện thay thế diện tích rừng đã bị mất là một yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên ở một số địa phương có dự án thủy điện đang gặp phải khó khăn là thiếu đất trồng rừng, mặc dù nguồn kinh phí do các nhà máy thủy điện đóng góp cho trồng rừng đã có. Vì vậy để phát triển và bảo vệ rừng một cách bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần xây dựng mô hình trồng rừng bền vững. Gắn việc bảo vệ, phát triển rừng, chống lại các thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường với công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào, nhất là ở vùng miền núi.
Kiến nghị các giải pháp
Có thể nói, tác hại và tổn thất từ việc rừng bị tàn phá đối với nền kinh tế - xã hội, môi trường, thậm chí tính mạng con người là vô cùng to lớn. Lũ lụt ở miền Trung, lũ quét ở miền núi phía Bắc, hạn hán ở khắp nơi là những minh chứng cụ thể rõ ràng nhất. Nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương, tình trạng bà con đốt rẫy làm nương, sử dụng thuốc diệt cỏ làm thu hẹp diện tích rừng vẫn phổ biến.
Để công tác trồng rừng thay thế có hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các bộ, ngành, địa phương và chủ dự án công trình thủy điện phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể, các địa phương giải quyết đủ đất để các chủ dự án trồng rừng, trong trường hợp địa phương không có đất thì hướng dẫn chủ dự án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ phát triển rừng. Đồng thời, kể từ nay, khi phê duyệt, cấp phép xây dựng các dự án đầu tư phải phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc trồng lại rừng sau khi chuyển mục đích sử dụng. Xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ của mình.
Còn ông Thái Phụng Nê - Cố vấn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: Địa phương cần quản lý chặt diện tích rừng, không để cho dân tiếp tục phá để làm nương rẫy. Nên rà soát, nghiên cứu quy hoạch đất rừng, lựa chọn phương án giao đất rừng cho người dân nhưng phải cấp quyền sử dụng đất để họ trồng rừng thay thế, chăm sóc và quản lý; Đồng thời đề xuất mức hỗ trợ hợp lý, đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, bền vững để bà con trồng. Có như vậy mới khuyến khích người dân trồng, chăm sóc bảo vệ, phát triển rừng và sống được nhờ rừng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với việc trồng bù rừng, giao quản lý bảo vệ, Nhà nước nên xây dựng các chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Nhất là với đồng bào dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa. In ấn phát hành tài liệu tuyên truyền; vận động các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng. Ngoài ra cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đoàn thể địa phương...