Ảnh minh họa |
Theo VEPR, tăng trưởng kinh tế quý III/2015 đạt mức 6,81%, cao nhất trong các quý III kể từ năm 2011 trở lại đây. Tính chung 3 quý đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5% so với cùng kỳ 2014.
Động lực cho tăng trưởng nêu trên có sự đóng góp lớn từ khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng (tăng 9,69%). Các chỉ tiêu phản ánh rõ nét xu hướng hồi phục của nền kinh tế, trong đó chỉ số PMI (đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa mua...) liên tục cao hơn ngưỡng 50 điểm (trừ tháng 9). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% so cùng kỳ, trong khi mức tăng cùng kỳ của năm 2014 chỉ đạt 6,7%. Khu vực sản xuất công nghiệp đã tuyển dụng tăng 7,1% lao động, cao hơn nhiều mức 4,2% của năm 2013 và 2014.
Trong 3 quý đầu năm 2015, tổng tăng trưởng tín dụng đạt 10,78%. Dự kiến cả năm 2015 có thể đạt 17%. Con số này cho thấy tổng cầu nền kinh tế đang hồi phục mạnh.
Phân tích của VEPR cũng chỉ rõ: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 quý đầu năm 2015 tăng chậm, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9, trong khi theo chu kỳ hàng năm, tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá phải chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới. Hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực vốn đóng góp xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI cũng giảm giá. Thị trường xuất khẩu gạo khó khăn do dư cung trên phạm vị toàn cầu, việc mở bán kho gạo dự trữ của Thái Lan cũng đã tác động dẫn đến giá lương thực trong tháng 9 giảm 2,23% so với đầu năm.
VEPR nhận định: Xu hướng lạm phát sẽ diễn biến ở mức thấp trong quý IV/2015 và quý I/2016 dù mặt bằng giá cả có thể chịu áp lực vào thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân. Mặc dù vậy, các chuyên gia VEPR cũng đưa ra khuyến nghị: Tốc độ tăng cung tiền hiện nay đang vượt xa so với GDP danh nghĩa, có thể tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá cả trong năm 2016. Chính sách tiền tệ được nới lỏng dường như quá mức cùng mức tỷ giá còn kém cạnh tranh đang tích lũy những rủi ro, gây bất ổn về giá cả trong năm 2016.
VEPR thử nghiệm tính toán Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải đường sắt, tăng trưởng tín dụng… và khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam đã và đang có sự phục hồi tích cực. |