Doanh nghiệp Việt Nam - Lào giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương Việt Nam - Lào: Tăng cường hợp tác an sinh xã hội |
Sự kiện do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Tạp chí Mekong ASEAN và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước (18/7/1977 - 18/7/2022).
Quy mô thương mại hàng hóa không ngừng được mở rộng
Phát biểu khai mạc sự kiện, đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - đánh giá, sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, thương mại - đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Về đầu tư, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng hàng năm. Cụ thể năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với năm 2020 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Chương trình giao lưu - trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào” |
Về phía Bộ Công Thương, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, nhận định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN. Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng trong các năm qua.
Từ năm 2016 - 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020 bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phát biểu tại chương trình |
Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt xấp xỉ 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. “Với tốc độ tăng trưởng này, quy mô thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới”, ông Đỗ Quốc Hưng đánh giá.
Cũng theo ông Đỗ Quốc Hưng, trước đây, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là mặt hàng khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản. Hiện nay, cơ cấu hàng hóa đã bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp.
Phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Tọa đàm "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào". Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp 2 nước trong bối cảnh mới; phân tích xu hướng, những lĩnh vực tiềm năng thu hút thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng tầm hoạt động thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào.
Hiện, hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015. Liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận hiệp định song phương, bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào tại Việt Nam đánh giá, hai Chính phủ đã tạo điều kiện rất tốt cho các hoạt động đầu tư bằng các khung pháp lý cơ sở cho doanh nghiệp hai bên.
Cơ quan ban ngành của hai nước cũng đang cố gắng tiếp thu, sửa đổi các hiệp định cho phù hợp với tình hình hai nước. Việc đầu tư kinh doanh song phương thời gian qua rất thuận lợi, các doanh nghiệp đã rất cố gắng vượt khó.
“Trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Lào tăng hơn 75% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới việc sửa các hiệp định cho phù hợp với tình hình hai nước là rất cần thiết, vì các hiệp định đã ký từ năm 2015”, bà Sonechan Phoutthavong đề xuất.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Tọa đàm "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào" |
Ông Đỗ Quang Hưng đánh giá, về cơ bản, doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt các khuôn khổ ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7-8 năm vừa qua kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm.
Tuy nhiên về một khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi. Ví dụ, Hiệp định Thương mại Biên giới Việt - Lào có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào - Việt. Các ưu đãi này có thể bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có.
Tuy nhiên trong 7 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng được ưu đãi này chưa nhiều. Một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Mặt khác, các nhà đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào gặp khó khăn về mặt lao động, ví dụ như mặt kỹ năng cần phải có nhiều sự cải thiện. Ngoài ra, Lào cũng có quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài trong doanh nghiệp nước ngoài chỉ được 10%, từ đó dẫn tới hạn chế lao động nước ngoài.
Bà Sonechan Phoutthavong cho hay, Chính phủ Lào sẽ tập trung phát triển các ngành như nông nghiệp sạch, sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Lào cũng mong muốn doanh nghiệp 2 nước nghiên cứu đầu tư và sản xuất các sản phẩm như mía đường, đầu tư vào nông nghiệp và một số ngành khác như năng lượng tái tạo, điện gió, thủy điện vào Lào. “Tôi mong doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm quản lý nhân sự tích cực đầu tư vào Lào để con số kim ngạch thương mại 2 tỷ USD sẽ được thực hiện trong các năm tới”, bà Sonechan Phoutthavong chia sẻ.
Theo ông Đỗ Quang Hưng, hiện nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đang ở ngưỡng 1,37 tỷ USD. Nếu tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm thì kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 2 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, do kim ngạch tăng nhanh thời gian gần đây nên có khả năng cao Việt Nam và Lào có thể đạt kim ngạch thương mại 2 tỷ USD trước năm 2025. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế, hai nước hoàn toàn có thể sớm đạt được mục tiêu này.
Về mặt xuất khẩu, các sản phẩm chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, và hải sản có tiềm năng tốt do Lào không giáp biển. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng có thị trường tiềm năng tại Lào. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kiên trì xây dựng thương hiệu và phân phối để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác.
Về nhập khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản, phân bón,… là các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể khai thác.
Để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, ông Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các hiệp định thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, những thành tựu kinh tế về thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số những tồn tại. Nhất là về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai bên còn nhiều điểm chưa đạt, cơ sở thương mại biên giới còn nhiều yếu kém. “Tôi mong rằng doanh nghiệp hai bên sẽ cùng tìm hiểu và truyền tải về doanh nghiệp hai nước những điểm cần khắc phục để hợp tác Việt Nam - Lào ngày càng tốt đẹp, tương xứng với tiềm năng vốn có”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Nhiều dư địa trong hợp tác lĩnh vực năng lượng Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “cục pin Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng. Ông Đỗ Quang Hưng đánh giá, năng lượng là lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa Việt Nam và Lào. Lĩnh vực này đã được phê duyệt và ủng hộ bởi chính phủ hai nước. Hai nước đã kí biên bản ghi nhớ vào năm 2016 nhằm kết nối dự án điện. Dư địa hiện vẫn còn và thêm vào đó phù hợp với tiềm năng cũng như thế mạnh của đôi bên. Việt Nam cần điện với giá thành phải chăng để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Lào coi việc bán điện là ưu tiên chiến lược để trở thành "cục pin của Đông Nam Á". Hiện Lào đã bán điện cho Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Lĩnh vực này sẽ còn phát triển trong tương lai, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội cho Lào và cả Việt Nam. Theo bà Sonechan Phoutthavong, điện là sản phẩm đặc thù của Lào, hiện nay hai nước đang tập trung rất nhiều nguồn lực vào việc hợp tác sản xuất điện. Chính phủ hai nước có chính sách lâu dài cho sản phẩm đặc thù này. Lào xác định Việt Nam là thị trường xuất khẩu điện chính với con số 2.500 MW cho đến hiện nay. Đến 2050 sẽ còn tăng vì hai nước thỏa thuận mua bán 8.000 MW điện. Vì vậy có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào ngành điện để thúc đẩy kết nối theo thỏa thuận hai nước. |