Lợi ích cho các bên
Lưới điện thông minh (Smart grid) đang được ngành điện triển khai thực hiện đang đặt ra mục tiêu hướng tới tiên đoán và phản ứng thông minh với cách ứng xử, hành động của tất cả các đơn vị được kết nối với lưới điện. Tất cả các thiết bị của lưới điện tương tác với nhau, tạo thành một hệ thống cung cấp điện thông minh, thống nhất nhờ sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại. Thông tin thu thập được từ thiết bị, kết quả phân tích giúp tối ưu hóa việc sử dụng điện, giảm chi phí, tăng độ tin cậy cũng như hiệu quả của hệ thống điện.
Theo ông Nguyễn Thanh Tĩnh- Giám đốc PC Quảng Ninh: Đối với đơn vị phân phối như PC Quảng Ninh, lưới điện thông minh sẽ giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiể chi phí thông qua việc nâng cao năng suất lao động, quản lý thông tin… Chi phí nhân công, vận hành cũng giảm thiểu tối đa nhờ ứng dụng công tơ điện tử/công tơ thông minh, các công nghệ cho phép thu thập số liệu, giám sát, điều khiển thiết bị trên lưới điện từ xa thông qua mạng viễn thông.
Đối với khách hàng, lưới điện thông minh giúp giám sát sản lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị tại các thời điểm khác nhau theo thời gian thực. Từ đó, người dùng chủ động lựa chọn thiết bị, điều chính hành vi sử dụng điện của mình nhằm tiết kiệm chi phí cùng với đó là những trải nghiệm thú vị các tiện ích thông qua các ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng của ngành điện.
“Hiện PC Quảng Ninh đang tiến hành triển khai thực hiện Smart Grid trong giai đoạn 2021-2025 với các nhóm giải pháp như: Quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, kinh doanh - dịch vụ chăm sóc khách hàng và quản trị nguồn nhân lực. Nhất là Smart Grid còn có khả năng tích hợp với năng lượng tái tạo, hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Thanh Tĩnh - chia sẻ.
Những bước đi vững chắc
Để thực hiện lưới điện thông minh công ty đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước hết phải kể đến công tác số hóa các dịch vụ điện điều này đã đem lại nhiều tiện ích và sự hài lòng cho khách hàng.
Cụ thể, công ty đã triển khai 100% dịch vụ điện cấp độ 4; hợp đồng mua bán điện điện tử; tiếp nhận yêu cầu của các khách hàng về dịch vụ điện qua các kênh chăm sóc khách hàng online. Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, nhất là các khách hàng vùng sâu vùng xa, các khu vực nông thôn vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành điện.
Đặc biệt, với chiến lược đổi mới và thực hiện lưới điện thông minh, công ty đã thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử. Tính đến ngày 31/10/2021, số lượng công tơ điện tử lắp đặt trên lưới điện đã đạt 279.554 công tơ trên tổng số 442.757 công tơ đang lắp trên lưới, chiếm tỷ lệ 63,14%. Số trạm biến áp (TBA) được lắp đo xa qua DCU là 942/2.728 trạm tương ứng với 190.354 công tơ. Số công tơ được lắp đo xa tổng trạm biến áp công cộng và chuyên dùng qua Modem là 4.963/4.963 điểm đo.
PC Quảng Ninh cài đặt công tơ điện tử đo xa cho khách hàng sử dụng điện |
Đối với công tác đo đếm điện năng, hiện PC Quảng Ninh đã triển khai lắp đặt hệ thống đo đếm thu thập dữ liệu từ xa tại 4.933/4.954 tổng số TBA, đạt tỉ lệ trên 99%. Tỉ lệ kết nối dữ liệu đo xa trung bình đạt trên 98%, qua đó, đã giảm thiểu các sai sót chủ quan, đảm bảo nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; Quản lý số liệu đo đếm, cũng như tỉ lệ tổn thất điện năng một cách trực quan nhất.
Trong công tác quản lý, vận hành lưới điện, công ty đã đầu tư và đưa Trung tâm điều khiển từ xa (TTĐKX) vào hoạt động, qua đó nhiều phần mềm, tiện ích đã được sử dụng phục vụ cho công tác điều độ lưới điện. Đặc biệt, công ty đã hoàn thành và đưa 18/18 trạm biến áp 110 kV vào vận hành ở chế độ điều khiển xa không người trực. Đồng thời, tháng 7/2021, TBA kỹ thuật số đầu tiên TBA 110 kV Cái Lân (E5.11) cũng đã được công ty đưa vào vận hành. TBA số là công nghệ mới được PC Quảng Ninh đưa vào sử dụng nhằm số hóa toàn bộ việc truyền, nhận dữ liệu từ các thiết bị ngoài trời vào trong nhà điều hành và kết nối với TTĐKX. Ở TBA truyền thống, các thiết bị nhất thứ trong trạm và các thiết bị nhị thứ được kết nối bằng dây cáp đồng, qua đó đã dẫn tới việc tạo ra rất nhiều các kết nối phần cứng phức tạp, các tiếp xúc và khả năng truyền tai sẽ bị suy giảm theo thời gian. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý vận hành, TBA kỹ thuật số sẽ thay thế toàn bộ mạch điện nối cáp đồng phía thiết bị ngoài trời của TBA thông thường bằng cáp quang, nhờ đó, các tín hiệu (đo lường, bảo vệ, điều khiển, trạng thái…) truyền từ thiết bị nhất thứ đến tủ điều khiển được chuyển thành tín hiệu số thông qua giao thức IEC-61850.
Với những ưu điểm nổi bật mang lại, TBA kỹ thuật số hứa hẹn sẽ là công nghệ mang tính chiến lược, đột phá và được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình thực hiện từng bước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “số hóa” các TBA nhằm phục vụ mục tiêu trong “Đề án Xây dựng lưới điện thông minh” của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam.
Cùng với đó, công ty đã ứng dụng phần mềm tự động lấy dữ liệu đo xa các trạm phân phối, phục vụ tính toán tổn thất kỹ thuật và nghiên cứu phụ tải; tự động hóa lưới điện ngầm trung áp khu vực TP. Hạ Long và hoàn thành thực hiện chạy thử nghiệm mạch vòng trung áp (DMS) lưới điện trung áp khu vực Cẩm Phả, Quảng Hà, Tiên Yên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác áp dụng chuyển đổi số lưới điện trung thế tỉnh Quảng Ninh…
Việc ứng dụng thành công một số thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp PC Quảng Ninh góp phần nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí. Công ty xác định chuyển đổi số cần xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ, linh hoạt, đặt nền tảng cho tiến trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, góp phần hoàn thành mục tiêu của EVNNPC trở thành doanh nghiệp số ngang tầm khu vực vào năm 2025. |