Theo số liệu thống kê của mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay cả nước có 274 KCN đang hoạt động, trong đó có 242 KCN đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 88,3%.
Tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động đạt hơn 951.330 m3/ngày - đêm, với công suất trung bình mỗi nhà máy đang hoạt động đạt 4.000 m3/ngày - đêm, trong đó, công suất nhỏ nhất là 200 m3/ngày - đêm (tại KCN Cơ khí ô tô - Thành phố Hồ Chí Minh) và lớn nhất là 50.000 m3/ngày đêm (tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Bộ TN-MT sẽ rà soát lại các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp |
Cũng theo số liệu của Bộ TN-MT, tổng lượng nước thải thực tế của các KCN trên cả nước là 635.000 m3/ngày - đêm còn lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường là 450.000 m3/ngày đêm, chiếm 71% lượng nước thải phát sinh. Còn lượng nước thải do các cơ sở tách đấu nối, tự xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả ra môi trường hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý là 185.000 m3/ngày - đêm, chiếm 29%.
Trong tổng số 274 KCN đang hoạt động thì các KCN tại khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ phát sinh nước thải cao nhất nước (chiếm 50%), song do thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nên tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các KCN ở khu vực này đạt cao nhất cả nước (chiếm khoảng 90%).
Trên cơ sở tính toán số liệu tổng lượng nước thải phát sinh hàng ngày và công suất xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung thì hiệu suất sử dụng của các hệ thống xử lý nước thải tập trung trên toàn quốc là 48%.
Về công tác kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường của các hệ thống xử lý nước thải tập trung, Bộ TN-MT cho biết, trong số 242 KCN đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, có 191 KCN đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục, chiếm 78,9%, 51 KCN còn lại đang trong lộ trình lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, chiếm 11,1%.
Các địa phương, như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bắc Ninh là những địa phương đi đầu với 100% KCN có lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT kiểm soát. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã chủ động lắp đặt thiết bị quan trắc tự động đồng bộ do Sở TN-MT quản lý tại các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong đó có KCN để kiểm soát.
Dù về cơ bản các KCN trong cả nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trong, song theo đánh giá của Bộ TN-MT, việc thực hiện quy hoạch xây dựng của các KCN, đặc biệt là xây dựng hạ tầng KCN chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện.
Hiện vẫn còn tồn tại 32 KCN dù đã đưa vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn nữa, số lượng các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường còn cao.
Vần còn tình trạng một số địa phương chỉ tập trung thu hút đầu tư, song thiếu đôn đốc, kiểm tra, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Chưa giám sát chặt chẽ việc xả nước thải của các KCN gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phía ngoài hàng rào KCN.
Cá biệt, có địa phương phát triển “nóng” các KCN mà chưa tính đến nhu cầu thị trường dẫn đến hậu quả là các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chưa làm thủ tục xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường chủ yếu vì thu hút được rất ít các dự án đầu tư hoạt động trong KCN.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ rà soát lại các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các chính sách lớn, như: phân luồng, phân nhóm các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất theo mức độ tác động đến môi trường để có biện pháp quản lý môi trường phù hợp.
Bộ cũng sẽ thực hiện phân vùng môi trường và có cơ chế sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, xây dựng cơ chế quản lý môi trường theo các giai đoạn của vòng đời dự án. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý về môi trường của nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp.
Bộ TN-MT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng hội nhập và đảm bảo chất lượng môi trường ngày càng cao, xây dựng các quy định về quản lý chất thải rắn, nước thải theo hướng phù hợp với tình hình phát sinh và bối cảnh kinh tế - xã hội và thực hiện điều chỉnh đối tượng ưu đãi, hỗ trợ phù hợp hơn theo hướng bổ sung thêm đối tượng được hưởng các ưu đãi khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp không tập trung tại các KCN.