Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, với vị trí thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển dịch vụ logistics với tốc độ phát triển lên đến 12 - 14%; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%; đóng góp khoảng 4-5% GDP. Đây cũng là ngành có tiềm năng lớn, vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ ngành kinh tế, ngành sản xuất khác nhau và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số LPI của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, để đạt mục tiêu tăng từ 5-10 bậc, nằm trong top 30-35 theo bảng xếp hạng, trước hết, Việt Nam cần chú trọng cải thiện các tiêu chí về Hải quan, kết cấu hạ tầng và giao hàng quốc tế, với việc tăng các điểm số tương đương 0,25-0,3 điểm và tăng từ 10-15 bậc cho các tiêu chí này. Trong đó, cải thiện tiêu chí về Hải quan là quan trọng nhất và có khả năng thực hiện trên cơ sở các biện pháp kiên quyết của Chính phủ đang thực hiện.
Nhằm cải thiện chỉ số này, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu và lưu chuyển hàng hóa, đặc biệt đối với các thủ tục quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ Cơ chế một cửa Quốc gia, tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tham gia cơ chế này. Bên cạnh đó, nghiên cứu và đề xuất những dịch vụ công có thể tham gia kết nối vào Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối với các đối tác thương mại ngoài ASEAN (Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…).
Cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhưng chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng cần thời gian dài để có thể đạt được. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu đề xuất, trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, cảng biển; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng có tính kết nối, lan tỏa ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo kết nối thông suốt đường bộ, đường sắt với khu công nghiệp, cảng biển, sân bay; giảm ách tắc đường vào ra cảng biển để các chuyến giao hàng nhanh chóng, kịp thời. Trước mắt, việc cải tiến thủ tục hành chính, kết nối giữa các cơ quan nhà nước tại cảng biển là những khâu có thể cải thiện ngay. Vì hiện nay, trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua đường biển…
Riêng về việc cải thiện các tiêu chí nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin - Truyền thông được đề xuất xây dựng định hướng cho các doanh nghiệp, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, quá trình sản xuất - lưu thông cũng như trong việc cung cấp dịch vụ logistics; nâng cao vai trò của logistics trong quản trị chuỗi cung ứng thông qua việc phối hợp chặt chẽ với bên sử dụng dịch vụ logistics cùng tìm biện pháp giảm chi phí…
Chỉ số LPI của Việt Nam năm 2018 đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, thuộc top đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI từ năm 2007 đến nay. |