Nâng cao năng suất lao động: Con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” |
Chia sẻ tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng ngày 26/5, bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) – cho biết, năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của toàn Tập đoàn hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm; trong đó tại 1 số đơn vị viễn thông, công nghệ con số này hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực.
Bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) |
Từ thực tiễn triển khai tại Viettel, bà Mai chia sẻ một số giải pháp để thúc đẩy năng suất lao động với 3 trụ cột chính là nhân lực, công cụ và cơ chế chính sách.
Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động. Nhận thức rõ vấn đề này, Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ.
“Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa. Nhờ đó, chúng tôi luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến”, bà Mai chia sẻ.
Kết quả, Viettel hiện đang sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu công nghệ cao, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G hay đội ngũ 300 chuyên gia an ninh mạng, có tuổi đời rất trẻ nhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới. Viettel cũng là doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng sáng chế tại Việt Nam với 142 bằng bảo hộ trong nước, 17 bằng bảo hộ tại Mỹ và hơn 220 công nghệ lõi.
Ngoài yếu tố nhân lực thì Viettel cũng chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như AI, phân tích dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, Viettel xây dựng các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động dựa trên 5 yếu tố chính gồm: Môi trường làm việc; văn hóa giao việc khó; có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp để cán bộ nhân viên; chú trọng hoạt động đào tạo và phát triển nhất là thông qua luân chuyển công việc; tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ nhân viên có cơ hội thăng tiến.
“Là một doanh nghiệp phải cạnh tranh toàn cầu, Viettel liên tục đổi mới trong tư duy quản trị, tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa các quy trình, luồng công việc rõ ràng, tránh chồng chéo, phân công đúng người, đúng việc. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để đảm bảo các nguồn lực được phân bổ một cách hợp lý, từng cá nhân được phát huy tối đa năng lực”, bà Mai nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho hay: Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hiện nay, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực…
Tuy nhiên, thị trường lao động còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội |
Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh kiến nghị 6 vấn đề:
Thứ nhất, xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao. Có thể vừa đào tạo cho sinh viên, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư đồng bộ cho một số ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, năng lượng thông minh, chế biến chế tạo.
Thứ hai, thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Khoản 2 điều 25 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất khoa học - công nghệ, kinh doanh, dịch vụ góp phần gia tăng các nguồn thu để tái đầu tư, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước thực hiện thành công cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư theo Nghi định 60 của Chính phủ.
Thứ tư, cần đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp như rà soát, sửa đổi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, ban hành các chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng và ban hành chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…
Thứ năm, ban hành các danh mục nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo để hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề vừa góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn lao động cho người lao động. Ban hành thông tư hướng dẫn việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm khai thác các thiết bị, công nghệ mới, thu hút đầu tư của doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa và hợp tác công tư.
Thứ sáu, cho phép các trường thành lập trường trong trường, thêm chức năng dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở theo chương trình giáo dục thường xuyên tại những cơ sở giáo dục nghiề nghiệp. Đồng thời ban hành đồng bộ hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, đặc biệt là những nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng ít người học. Đẩy mạnh truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút người học nghề nhằm góp phần thay đổi cơ cấu, trình độ lực lượng lao động hiện nay…
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhiều ý kiến bày tỏ, trong các doanh nghiệp cần hình thành quỹ đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong nước hoặc nước ngoài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động của doanh nghiệp. |