Việt Nam - Singapore: Tận dụng các FTA chung để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Yếu tố nào giúp xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh trong 10 tháng qua? |
Các địa phương vào cuộc tích cực
Thông tin tại Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 2/12, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ, sau khi nước ta kí các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay là FTA với Vương quốc Anh (UKVFTA), Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi. Căn cứ trên kế hoạch thực thi của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình.
“Từ góc độ của cơ quan được Chính phủ giao theo dõi việc thực hiện các FTA của các bộ, ngành và các địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn” – ông Ngô Chung Khanh đánh giá. Đồng thời lý giải, đối với Hiệp định CPTPP, sau khoảng hơn tám tháng kể từ khi hiệp định có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. Nhưng đến Hiệp định EVFTA chỉ cần khoảng bốn tháng và đến Hiệp định UKVFTA chỉ cần chưa đến hai tháng. Các con số này cho thấy rằng việc các tỉnh, thành rất quan tâm và chú ý đến việc ban hành kế hoạch thực hiện. Bởi vì có kế hoạch thực hiện mới triển khai cụ thể được.
Bên cạnh đó, về các báo cáo kết quả thực hiện, Bộ Công Thương nhận thấy ngày càng tích cực hơn. Chẳng hạn trước đây, các báo cáo đầu tiên còn tương đối sơ sài, chung chung. Thế nhưng từ năm 2021, khi có thêm báo cáo của EVFTA, các số liệu hay các thông tin mà các tỉnh thành cung cấp đầy đủ hơn. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng hay đối với từng lĩnh vực thì họ đã hỗ trợ như thế nào.
“Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai chữ số và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược của tỉnh ghi nhận kim ngạch tăng trưởng ấn tượng” – ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ thực tế ở địa phương, từ khi có các FTA thế hệ mới đã có sự gia tăng đáng kể, ví dụ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75 cho đến ba lần so với trước đó.
Tỷ lệ tận dụng FTA ở nhiều ngành hàng tương đối cao nhờ sự vào cuộc của các địa phương |
Khắc phục hạn chế
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng cần phải nhìn lại một số điểm có thể làm tốt hơn. Đơn cử, hiện chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP và nếu xuất nhập khẩu với các nước mà chúng ta mới có FTA trước khi ký CPTPP như Canada, Mexico hay Peru thì con số còn thấp hơn. Như vậy rõ ràng vẫn còn dư địa để thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ hai, trong các biện pháp hỗ trợ thì mặc dù các tỉnh đều có các biện pháp hỗ trợ, từ việc đào tạo, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại hay hỗ trợ về chính sách. Nhưng các hỗ trợ đó áp dụng chung cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp, tức là chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề mà chúng ta cần tận dụng FTA, những ngành nghề mà thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà chúng ta có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng.
Về phía địa phương, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, doanh nghiệp Hà Nội giao dịch xuất khẩu với các nước trong các hiệp định còn hạn chế
Ngay sau khi các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng, triển khai thực thi các FTA và mặc dù trong hai năm, hơn hai năm vừa qua thì đại dịch Covid-19 cũng đã tác động ảnh hưởng rất lớn đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Hà Nội, để tận dụng cơ hội từ các FTA về số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước được ký kết trong Hiệp định cũng còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có được các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thay đổi theo những cái mới, và đặc biệt thị trường mới thành viên của các hiệp định còn khiêm tốn như các doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada, Mexico, Peru.
Ví dụ hàng may mặc cũng là một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước thì các doanh nghiệp hiện nay cũng vẫn chưa chủ động được các nguồn nhiên liệu, thế nên nhiều khi có những đơn hàng cũng bị đứt gãy các chuỗi cung cấp.
Mặc dù là những khó khăn, thách thức như vậy nhưng trong thời gian qua thì đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội thì có kết quả cũng đáng ghi nhận, cụ thể như là kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang các nước ký kết hiệp định như CPTPP cũng như EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang các nước trong 3 FTA này bao gồm các mặt hàng cơ kim khí đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu cũng như hàng dệt may đạt khoảng 0,8 tỉ USD và linh kiện điện tử vi tính đạt khoảng 0,6 tỷ USD; giày dép, cặp túi các loại đạt khoảng 0,3 tỷ USD và nông sản các loại thì đạt 0,2 tỷ USD.
Về kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ các nước trong ba hiệp định năm 2022 đạt 13,03 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu của Hà Nội chủ yếu là cơ kim khí đạt khoảng 2,6 tỷ USD, xăng dầu các loại đạt 2,3 tỷ USD, linh kiện điện tử vi tính đạt 1,7 tỷ USD, khoáng sản đạt 1,6 tỷ, chiếm tỷ trọng 12,5% và dược phẩm đạt 0,6 tỷ USD.
Trong năm 2022 hiện nay Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết trong hiệp định và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA và đây cũng là một kết quả rất cố gắng của Hà Nội trong thời gian vừa qua.
Thời gian tới, bà Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, để đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ các hiệp định như CPTPP và EVFTA các doanh nghiệp cần phải cố gắng và phải thích nghi.
Ông Ngô Chung Khanh phân tích thêm: “Tất nhiên việc hạn chế của sự hỗ trợ có thể có nhiều lý do, chẳng hạn như nguồn lực, các vấn đề liên quan khác, cho nên diễn tiến cũng cản trở trong việc thực hiện như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chú ý trọng tâm hơn nữa, đi sâu hơn nữa vào những các mặt hàng, những lĩnh vực mà chúng ta có chiến lược, có lợi thế từ FTA thì sẽ hiệu quả hơn”.
Một điểm nữa là các địa phương có thể kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp. Ông Khanh lấy ví dụ, các địa phương đều rất tích cực tổ chức các hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp. Thế nhưng đa số các doanh nghiệp đều cử các chuyên viên, chuyên gia liên quan đi. Thế nhưng có những hội nghị thông tin về chiến lược, nếu Giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị đi thì họ ghi nhận và sẽ có những quyết sách và điều chỉnh được chiến lược kinh doanh để tận dụng FTA. Cho nên các địa phương cần kết nối với những người có khả năng quyết định ở cấp doanh nghiệp để từ đó tư vấn và giúp họ định vị, tận dụng FTA.