Mô hình nuôi gà đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP xã Tiên Yên (huyện Yên Thế) |
Sản phẩm hàng hóa mũi nhọn
Yên Thế là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa mũi nhọn. Nhận thức được lợi thế so sánh của địa phương, những năm qua, huyện Yên Thế đã tập trung xác định con gà là 1 trong 4 loại hàng hóa cần tập trung phát triển.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, hiện nay chăn nuôi gà đồi tại huyện Yên Thế đã được phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn, tạo ra vùng sản xuất nuôi gà đồi tập trung. Hiện tại, số lượng hộ chăn nuôi gà từ 500 con trở lên có 1.200 hộ, số hộ chăn từ 1.000 - 2.000 trở lên có 700 hộ, số hộ chăn nuôi từ trên 2.000 con có trên 200 hộ; cá biệt đã có nhiều hộ nuôi từ 7.000 - 10.000 con/lứa. Hiện nay, mỗi năm nông dân trong huyện cung ứng ra thị trường 13 - 15 triệu con gà thương phẩm, doanh thu 1.500 tỷ đồng.
Nhờ nuôi gà mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Văn Vương, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế là một ví dụ. Ông Vương cho hay, hiện tổng số gà gia đình nuôi lên tới hơn 11.000 con, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.
Kiểm soát chất lượng, bảo vệ thương hiệu
Tuy nhiên, ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cũng thừa nhận, trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cũng như trước thềm hội nhập TPP, gà đồi Yên Thế gặp phải không ít khó khăn. Trước hết, cơ chế chính sách liên quan đến tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư phục vụ chăn nuôi nhằm đáp ứng đòi hỏi của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều bất cập. Đồng thời, khả năng tiếp cận kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi của một số hộ còn hạn chế; thiếu vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi hàng hóa. Bên cạnh đó, thời gian qua, các sản phẩm gà với giá rẻ của Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… nhập khẩu vào nước ta với số lượng lớn và tình trạng gà nhập lậu từ nước ngoài đã ảnh hưởng đến sự phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Để giải quyết khó khăn, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất con giống, chăn nuôi chế biến, tiêu thụ khép kín. Theo đó, huyện đã triển khai 2 dự án xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết “Chăn nuôi - Thu mua - Tiêu thụ” và “Chăn nuôi - Giết mổ - Chế biến - Tiêu thụ” gà đồi Yên Thế. Hai dự án này đã xây dựng được cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong mô hình, nâng cao trách nhiệm kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin, uy tín của các chủ thể trong việc hợp tác sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu.
Bên cạnh đó, UBND huyện Yên đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Qua đó, khuyến khích người chăn nuôi duy trì quy mô tổng đàn hợp lý, ổn định, đồng đều từ gà giống tới gà xuất bán, tăng tỷ lệ giống gà ri lai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, gắn tem nhãn cho sản phẩm mang nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế”.
Đặc biệt, huyện Yên Thế đã thành lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Đây là mô hình điểm trong hoạt động khép kín, quản lý từ con giống đầu vào liên kết với các hộ chăn nuôi với số lượng lớn, trong đó có doanh nghiệp cùng tham gia. Các hộ tham gia phải cam kết với HTX chăn nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi đủ số lượng, chăm sóc theo đúng quy trình…. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ sản phẩm ở một số nước khu vực ASEAN và Trung Quốc”, ông Hải nhấn mạnh.