Tăng năng suất lao động: Cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng Cô công nhân may và những sáng kiến để tăng năng suất lao động |
Thời gian qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã phối hợp cùng nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước tổ chức các chương trình tọa đàm về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong trường đại học, cao đẳng. Sự lan tỏa tích cực của chương trình đã tạo được thành công nhất định, là nền tảng về nhận thức năng suất đối với sinh viên.
Gần 17.000 sinh viên tiếp cận năng suất
Đến nay Ủy ban đã tổ chức thành công các chương trình tọa đàm về năng suất tại 30 trường đại học, cao đẳng trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Theo thống kê, tổng số sinh viên tham gia trực tiếp và trực tuyến lên đến gần 17.000 sinh viên.
Sinh viên là chủ thể chính trong các chương trình tọa đàm về năng suất. Ảnh: Hồng Vân – Ngọc Xen. |
Tại tọa đàm đầu tiên tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS Trần Thanh Giang - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Giám đốc Học viện đã khẳng định: “Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.
Vì vậy, việc áp dụng năng suất chất lượng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học,... luôn là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và tránh lạc hậu phía sau. Đồng thời, việc phối hợp tổ chức tọa đàm về năng suất cũng xuất phát từ mong muốn cung cấp cho sinh viên nhận thức đầy đủ hơn về năng suất, chất lượng cũng như vận dụng kiến thức vào học tập và thực tế cuộc sống sau khi ra trường”.
TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là diễn giả chính trong hầu hết buổi tọa đàm đã nêu ra những chủ đề xoay quanh các vấn đề tổng quan về năng suất như: Định nghĩa về năng suất; Nhận thức về sự lãng phí; Động cơ thúc đẩy năng suất; Tiến hóa năng suất trong cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;… Sau khi nghe giảng trực tiếp và trực tuyến, các sinh viên đa phần đều có được cái nhìn khái quát về năng suất chất lượng, đặc biệt hiểu được năng suất không phải vấn đề xa vời mà nó hiện diện ngay trong cuộc sống thường nhật.
TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh: “Năng suất là vấn đề sống còn và cần thực hiện thường xuyên, liên tục, như một cuộc chạy marathon không có vạch đích”. Nghĩa là khi đã nhận thức được về năng suất, chúng ta phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ và có sự cải tiến, nếu chỉ thực hiện 1 lần rồi “dậm chân tại chỗ” thì hiệu quả lại trở về con số 0.
Trở thành thuật ngữ thân thiện
TS. Hà Minh Hiệp trong một buổi trình bày tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Ngọc Xen |
Tại một buổi thuyết giảng, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, ở Nhật Bản, sinh viên sau khi ra trường, trước khi vào làm tại các doanh nghiệp của Nhật Bản cần phải học các lớp về năng suất và kỹ năng làm việc hiệu quả, thậm chí họ tiếp cận với năng suất khi còn ở bậc tiểu học và trung học. Điều này cho thấy tư duy về năng suất đã được hình thành trong thời gian dài và “ngấm” vào mỗi người dân Nhật Bản.
Tại Việt Nam, trước đây, năng suất chất lượng vẫn là vấn đề khô khan và khó tiếp cận, mang tính vĩ mô. Vì vậy, theo ông Hiệp, việc thuyết giảng về năng suất chất lượng trong các trường đại học mấy năm trở lại đây xuất phát từ mong muốn giúp các bạn sinh viên- nguồn lao động “vàng” của đất nước- có được nhận thức về năng suất chất lượng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các bạn có thêm năng lực để thực hiện công việc tốt hơn, có nhiều kỹ năng hơn, phục vụ gia đình và xã hội, và đưa năng suất trở thành thuật ngữ thân thiện với xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Lê Sỹ Thiện– Lớp 56CND-DT02 - Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên trong một buổi tham gia tọa đàm về năng suất cho biết: “Em lắng nghe và bị lôi cuốn vào bài giảng. Đây là lần đầu em được nghe giảng trực tiếp về năng suất, chất lượng. Em nghĩ rằng, nếu có thêm những lớp học về vấn đề này, chắc chắn sẽ rất nhiều bạn sinh viên quan tâm”.
Rõ ràng, để năng suất chất lượng “ngấm” vào mỗi người không phải ngày một ngày hai mà là quá trình lâu dài như “mưa dầm thấm lâu”. Khi mỗi người đã hiểu và nhận thấy được lợi ích từ nâng cao năng suất thì chính bản thân họ sẽ trở thành một “chuyên gia” năng suất, xã hội sẽ từ đó mà phát triển qua các giai đoạn nhất định, hướng đến phát triển bền vững. Dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, TS. Hà Minh Hiệp nói: “Tập trung vào năng suất sẽ làm cho hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn hôm nay. Đây là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và an ninh”.