Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày |
Đó là những khuyến nghị của lãnh đạo các Bộ, ngành dành cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.
Cơ sở dữ liệu là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công
Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập đến ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng. Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, từ tiện ích của Đề án 06 (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và sự triển khai quyết tâm, chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác về Đề án 06, ngày 21/12/2023, Chính phủ đã tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06.
Tại sự kiện này, Thủ tướng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm là: xác định cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành là “trái tim”, “chìa khóa”, là yếu tố then chốt để thực hiện Đề án 06, góp phần chuyển đổi số; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số; vai trò quan trọng của chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số nguồn nhân lực cao quyết định thành công của chuyển đổi số; thực hiện các giải pháp ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, đinh danh và xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm chính trị của các cấp ủy địa phương…
Từ 5 bài học đó, quá trình thực hiện và triển khai Đề án 06, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18 để đẩy mạnh kết nối, chia sẻ kết nối đẩy mạnh thương mại điện tử, chống thất thu thuế, an ninh tiền tệ; công văn tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 04 tiếp tục phát triển Đề án đến năm 2030 - 2045 của Chính phủ về phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia.
Trên cơ sở đó, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhận thấy những kết quả đã đạt được của Đề án 06 và sự phối kết hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Đề án:
Một là, về pháp lý hiện đã có 2 Nghị định quy định về xác thực định danh điện tử, dữ liệu điện tử để triển khai dịch vụ trên kênh số; Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; nghiên cứu quy định trong thanh toán; các thông tư, nghị định của Ngân hàng Nhà nước về pháp lý xác thực, định danh điện tử từ căn cước công dân, VneID, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy phát triển hệ thái thanh toán bao trùm, đem đến các giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi.
Hai là, xác định thành công 10 cơ sở dữ liệu quan trọng, trong đó hoàn thành 5/10 cơ sở dữ liệu là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về doanh nghiệp, về công chức, về thủ tục hành chính và về xuất nhập cảnh. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu về dân cư giữ vai trò kết nối các cơ sở dữ liệu.
Ba là, triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu toàn trình 100% trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với hệ thống của ngành Ngân hàng để ngành cung cấp dịch vụ công toàn trình; tra cứu, chạy thử trực tuyến 1525 thông tin gồm tên, ngày, tháng, năm, sinh… đưa ra 1198 trường hợp.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 |
Bốn là, Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với mục tiêu của Chính phủ phát triển kinh tế số chiếm 2% GDP của đất nước.
Thông qua trải nghiệm 16 gian hàng tại triển lãm bên lề sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhận thấy, không thể tách rời chuyển đổi số ngành Ngân hàng với chuyển đổi số quốc gia. Bởi, ngành Ngân hàng là khâu trung gian, kết nối quan trọng không thể thay thế. Vì vậy, cần thúc đẩy ngành Ngân hàng chuyển đổi số theo lộ trình với khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, xác thực và định danh điện tử.
Trong năm 2024, theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản nhằm minh bạch, chống thất thoát ngân sách nhà nước, hiện có 2 triệu người có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản với số tiền trên 4.500 tỷ đồng.
Năm là, với việc cấp 86 triệu căn cước công dân gắn chíp, thu thập trên 1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,88 triệu tài khoản, có 8 tiện ích phục vụ cho người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập vào VneID. Sắp tới Bộ Công an sẽ công bố 26 tính năng mới trên VneID, trong đó có 4 tính năng liên kết với ngành Ngân hàng và tiến tới sẽ đưa tài khoản định danh VneID bằng phương thức duy nhất truy cập và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công vào tháng 7/2024… từ đó cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc mong ngành Ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Công an nhằm tuyên truyền và đưa đến nhiều tiện ích cho người dân; từng bước đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cũng đánh giá, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng, cho phép khách hàng trải nghiệm dịch vụ trên kênh số, có doanh thu từ kênh số tăng cao, đặc biệt là dịch vụ thanh toán số 100%; giải ngân cho vay trên kênh số; có sự tham gia của các công ty tài chính; nhờ có sự kết nối liền mạch, người dân có thể tra cứu trên điện thoại thông minh tiền điện, tiền nước, thanh toán hóa đơn.
Năm 2023, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, sự phối hợp của Bộ Công an với Ngân hàng Nhà nước bằng các nhiệm vụ trọng tâm đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.
Đến nay, đã có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 tổ chức tín dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cược công dân gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 tổ chức tín dụng đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch, đối chiếu xác thực thông tin; ngân hàng hoàn thiện các giải pháp công nghệ, quy trình nghiệp vụ để thí điểm… nhận chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện nước dự kiến tiết kiệm chi phí khoảng 95 tỷ đồng/tháng; giảm thiểu tối đa thời gian, công sức, chi phí… từng bước thay thế các giải pháp truyền thống.
Bộ Công an luôn sẵn sàng cùng ngành Ngân hàng để tạo ra nhiều tiện ích phục vụ người dân qua hoạt động ngân hàng. Về công tác bảo mật, Bộ sẽ cùng các đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp dịch vụ vừa đảm bảo an toàn, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối; tiếp tục đẩy mạnh cho vay tín chấp qua chấm điểm công dân, bởi đến nay mới có 2 tổ chức tín dụng giải ngân cho 559 khoản vay… “Với quyết tâm triển khai, chúng ta sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra”, Thượng tướng Duy Ngọc khẳng định.
Cần nâng cao năng lực quản trị số của các cơ quan quản lý
Đánh giá, ngân hàng là ngành luôn đi đầu trong chuyển đổi số, đi đầu trong triển khai thành công các nền tảng quản lý và hiện đại hóa ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, vận hành và quản lý cùng với các nền tảng số quốc gia như: Nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; Hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 |
Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu. Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các dịch vụ này đã tích hợp sâu rộng để đảm bảo giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên sốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.
Dù đạt được kết quả quan trọng, song Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, xu hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới cần được xem xét, thúc đẩy qua nhiều khía cạnh. Cụ thể, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, dữ liệu đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng có nhiều dữ liệu, do đó, cần phải khai thác hiệu quả thông qua thí điểm, xây dựng các quyết định pháp lý liên quan... “Điều này sẽ giúp tạo nên nhiều giá trị cho ngành Ngân hàng nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của dữ liệu, các ứng dụng thực tế, công nghệ của ngành tài chính - ngân hàng sẽ chưa đạt yêu cầu về chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu. “Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét triển khai một số nội dung liên quan như: AI (trí tuệ nhân tạo) ứng dụng trong dữ liệu, điều hành chính sách tiền tệ; xây dựng hệ thống kết nối online để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả…”, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị.
Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ sự phát triển nhanh bền vững hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh linh hoạt, hiệu quả và tối ưu chi phí ngày càng quan trọng. Do đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý chuyển đổi số ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị số của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu.
Một yếu tố nữa được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc tới là đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi ngành Ngân hàng. Bởi tình hình tấn công vào hệ thống cũng như đánh cắp thông tin của người dùng trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là về vấn đề chiếm quyền hệ thống thông tin đe dọa nghiêm trọng đến các ngân hàng và nền kinh tế.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị ngành Ngân hàng quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 33/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng về nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng... Ngành Ngân hàng cũng cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan chức năng để xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.