CôngThương - Năm 2012, kinh tế Hải Dương phát triển với tốc độ khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt mức tăng 5,3%. Quy mô kinh tế được nâng cao. GDP bình quân đầu người, đạt 27,8 triệu đồng. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Hải Dương.
Trong kết quả kinh tế chung của tỉnh Hải Dương những năm qua có sự góp sức của khu vực công nghiệp và thương mại.
Đến hết năm 2012, tỉnh Hải Dương có 24.265 cơ sở công nghiệp và TTCN gồm 23.308 cơ sở TTCN quy mô hộ gia đình, 698 doanh nghiệp dân doanh, 89 cơ sở công nghiệp tập thể, 18 cơ sở công nghiệp có vốn Nhà nước (địa phương quản lý 04 cơ sở), 152 cơ sở công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, 61 làng nghề đã được công nhận.
Tính đến tháng 7/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 21,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,2%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 16,5%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 11,3%. Các sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ: ô tô tăng 49,6%; đá khai thác tăng 21,1%; điện sản xuất tăng 20%; dây và cáp điện tăng 19%; nước máy thương phẩm tăng 15,1%; may mặc tăng 11,5%; giầy dép tăng 7,5%;..
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/7/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành hàng đều có chỉ số tồn kho giảm, riêng một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn cùng kỳ năm trước như: sản xuất trang phục 132,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 15,8%; sản xuất kim loại 47,4%.
Trên lĩnh vực thương mại, hàng hóa dịch vụ phong phú, đa dạng; cân đối cung - cầu được bảo đảm. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước đạt 12.748,2 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2012 (cả nước tăng 12,0%), đạt 54,1% kế hoạch năm.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân. Tạo điều kiện thu hút nguồn lực phát triển sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực công thương. Cải cách thủ tục hành chính, khai thông nguồn vốn đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung mạng lưới điện, cụm công nghiệp, làng nghề, hệ thống bán buôn, bán lẻ. Phát triển các cụm công nghiệp, các làng nghề TTCN trong quy hoạch, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, thủy sản, vật liệu xây dựng mới, cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường. Tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ưu tiên phát triển những sản phẩm chất lượng, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, dịch vụ có giá trị và sức cạnh tranh. Mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đẩy mạnh mạng lưới phân phối, nhằm phát triển nhanh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở trong và ngoài nước. Chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, mời gọi đầu tư nước ngoài theo hướng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại.
Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011- 2020. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, củng cố lòng tin của nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các đề án phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến NSTP, TTCN và làng nghề...