Sửa đổi các văn bản luật cần thận trọng
Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ với người tiêu dùng. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có TMĐT ở mức cao và liên tục tăng hàng năm, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh, các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch và mạng xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu với cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhằm nâng cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã làm việc với Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin mạng do đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng đoàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã chuẩn bị rất đầy đủ, chi tiết Báo cáo của Bộ về tình hình xây dựng, cũng như thực trạng thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực TMĐT và kinh tế số, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, phòng chống gian lận thương mại; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực trạng thực thi pháp luật, thực trạng phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan từ trung ương đến địa phương trong các lĩnh vực Bộ quản lý.
Đồng thời, trong Báo cáo cũng đã tóm tắt các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, đàm phán, gia nhập và ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến nội dung giám sát. Từ thực trạng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, Bộ Công Thương đã phân tích về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, từ đó nêu rõ các kiến nghị, đề xuất cụ thể cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: “Hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trong thời gian gần đây là vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu trên mạng. Theo đó, việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, giao dịch điện tử, về công nghệ số, chuyển đổi số… là cần thiết, nhưng cần thận trọng để tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện có, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành”.
Cụ thể, theo Thứ trưởng, những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành.
Từ việc được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương xác định, một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.
Tạo lòng tin cho người tiêu dùng
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về TMĐT, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về TMĐT ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.
Chia sẻ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương cho biết, lĩnh vực kinh tế số có phạm vi mang tính chất bao trùm các hoạt động kinh tế liên quan đến rất nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật thông tin và truyền thông, công an, thuế, ngân hàng... Vì vậy, Bộ Công Thương cần có nghiên cứu, đề xuất cụ thể phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ phù hợp trong mối tương quan với các Bộ, ngành khác.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng TMĐT |
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường đang phối hợp với các cơ quan liên quan (lực lượng công an các địa phương, hải quan, thuế...) tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng TMĐT, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên cả nước để tiến hành điều tra, xử lý theo vụ việc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT nói trên và hoàn thiện xây dựng “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”, đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Thủ tục khiếu nại được thực hiện trực tuyến và miễn phí.
Mục tiêu của hệ thống nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, là cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Cụ thể, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ nghiên cứu, đẩy mạnh phối hợp các đơn vị là hội, hiệp hội tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến như: xúc tiến về đầu tư, hội nghị giao thương và tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới.