Nhiều ngành sản xuất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động |
Chỉ 6% doanh nghiệp có báo cáo tình hình tai nạn lao động
Theo số liệu của Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) công bố tại Hội nghị đối thoại định kỳ về an toàn vệ sinh lao động năm 2018, trong năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn, số vụ TNLĐ chết người lên đến 898 vụ, làm 928 người chết. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 7.749 vụ TNLĐ, làm 7.907 người bị nạn. Tại khu vực không có quan hệ lao động, thống kê tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy có 1.207 vụ TNLĐ xảy ra, làm 1.266 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn.
Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính - Thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - con số TNLĐ có thể nhiều hơn vì báo cáo của các doanh nghiệp về TNLĐ là không đầy đủ, thậm chí có trường hợp che giấu TNLĐ nặng hoặc thỏa thuận với gia đình nạn nhân để đền bù.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp chấp hành báo cáo về tình hình TNLĐ cũng chưa nghiêm, chưa đầy đủ, cụ thể, trong năm 2017 có 18.885/350.804 doanh nghiệp; ước khoảng 5,4% doanh nghiệp báo cáo về tình hình TNLĐ (năm 2016 là 26.419/277.314 doanh nghiệp; ước khoảng 9,5%), do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân và giải pháp
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trước hết phải kể đến là phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do quy mô nhỏ, vốn ít, nên chưa thực sự quan tâm đến công tác đầu tư đảm bảo TNLĐ, chưa quan tâm, chăm lo đúng mức đến người lao động tại đơn vị mình.
Cùng đó, không ít người sử dụng lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo, thống kê, báo cáo. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn e ngại việc để các cơ quan chức năng biết những thiếu sót và “sự cố” về an toàn vệ sinh lao động, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra tại đơn vị sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua, đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và bản thân họ.
Nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa được chỉ ra là sự thiếu ý thức chấp hành các quy định về pháp luật của người sử dụng lao động. Rất nhiều người sử dụng lao động có biết đến các quy định của pháp luật nhưng do việc thực hiện công tác bảo hộ lao động còn nhiều sai phạm, thiếu sót nên khi TNLĐ họ thường tìm mọi cách có thể để che dấu và thỏa thuận bồi thường với nạn nhân hoặc gia đình họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngoài “lỗi” của các doanh nghiệp thì tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động còn đến từ việc các cơ quan quản lý chưa có giải pháp, chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, chấn chỉnh các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý.
Hơn thế, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý TNLĐ cũng chưa nghiêm minh trong khi các quy định về biểu mẫu về thống kê, báo cáo TNLĐ còn rườm rà, khó thực hiện, gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi thực hiện khai báo, thống kê, báo cáo về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, đặc biệt là công tác khai báo, thống kê, báo cáo trong công tác bảo hộ lao động, khai báo TNLĐ, trước hết, các cấp quản lý và chủ doanh nghiệp cần coi trọng công tác khai báo, thống kê, báo cáo, nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của nó.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, xem xét điều chỉnh các quy định, biểu mẫu về lĩnh vực này để đơn giản hơn. Đồng thời, cần đa dạng hoá hình thức khai báo, thực hiện khai báo, báo cáo qua mạng Internet cũng cần được xem xét để giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, công sức cho các doanh nghiệp.
Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về khai báo, thống kê, báo cáo đến các doanh nghiệp, cơ sở; tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra chuyên đề và xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về khai báo, thống kê, báo cáo về an toàn lao động, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi không báo cáo về an toàn lao động, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp để tăng tính răn đe và đảm bảo thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động.
Về phía mình, các doanh nghiệp cần chủ động, tự giác tìm hiểu, cập nhật các văn bản pháp luật để chấp hành nghiêm túc các quy định, có kế hoạch, giải pháp triển khai công tác bảo hộ lao động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của chính doanh nghiệp mình.