Cơ hội quảng bá văn hoá, du lịch
Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5/2024. Chương trình với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Lễ hội ánh sáng khinh khí cầu quốc tế kết hợp trình diễn các ban nhạc Disc Jockey (DJ).
Trong khuôn khổ chương trình, còn có các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2024, với sự góp mặt của hơn 100 gian hàng của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố trên cả nước; Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang; ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng với chủ đề: “Khoáng nóng Mỹ Lâm - Suối nguồn kỳ diệu”...
Chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra các hoạt động của Năm Du lịch Tuyên Quang 2024 và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ III. |
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy, nổ trong quá trình diễn ra các hoạt động của lễ hội cũng đã sẵn sàng. Tỉnh Tuyên Quang đã chuẩn bị các điều kiện chu đáo, kỹ lưỡng nhất, bảo đảm an toàn và hài lòng nhất cho du khách gần xa.
Hưởng ứng năm du lịch và để tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn du khách, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách. Theo đó, các hoạt động tại các huyện, thành phố gồm có: Festival Chè Shan tuyết Na Hang gắn với cuộc thi ẩm thực dân tộc huyện Na Hang; trải nghiệm khám phá du lịch sinh thái trong rừng; Liên hoan dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa, văn nghệ; giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực địa phương; các hoạt động gắn với đời sống của người dân bản địa…
Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón khách dịp lễ và hè 2024, huyện chỉ đạo các điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch rà soát phương án, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ nhu cầu tăng cao của khách du lịch; các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tăng giá, ép giá du khách...
Dịp này, huyện Lâm Bình cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm du lịch 2024 như: Liên hoan dân ca, dân vũ gắn với du lịch cộng đồng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn các xã, thị trấn; duy trì hoạt động chợ đêm tại thị trấn Lăng Can vào tối thứ 7 hàng tuần, hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi về với Lâm Bình.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) bên cạnh chỉnh trang cơ sở, vệ sinh môi trường thì phần việc được Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang chú trọng nhất trong dịp này là kiện toàn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuyết minh nhằm phục vụ các đoàn khách một cách tốt nhất khi về thăm Tân Trào. Dịp nghỉ lễ, khi có nhiều đoàn khách đến cùng lúc, các thuyết minh viên sẽ linh hoạt gộp đoàn để cùng nghe thuyết minh. Đây là phương án hợp lý, vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa nhận được sự cảm thông, chia sẻ của du khách.
Để tạo dựng hình ảnh văn minh, thân thiện, mến khách, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ngành du lịch và các ngành liên quan, các địa phương tăng cường chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, không để xảy ra các tình trạng kinh doanh manh mún, chặt chém; niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ; không vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ứng xử văn minh, lịch sự của những người làm du lịch, cộng đồng địa phương và du khách trong việc tuân thủ các nội quy, quy định của điểm đến du lịch, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh đô thị với môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn và chuyên nghiệp.
Các cơ sở lưu trú sẵn sàng đón du khách
Đi đôi với công tác chuẩn bị cho các hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống cũng được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã niêm yết bảng giá dịch vụ công khai, đồng thời đưa thêm nhiều chương trình giảm giá và các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu lượng khách đến lưu trú, trải nghiệm dịch vụ.
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 445 cơ sở lưu trú, 4.474 phòng, 6.326 giường, 35 khách sạn từ 1 đến 4 sao; trên 250 nhà hàng ẩm thực, trong đó nhiều nhà hàng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu riêng, cải tạo nâng cấp bổ sung các dịch vụ bổ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp hơn; các món ăn truyền thống của địa phương đã được giới thiệu với du khách và tạo nét đặc trưng về văn hoá, du lịch của Tuyên Quang.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ khách du lịch. Tính đến hết quý I/2024, địa phương này đã thu hút được 917.500 lượt khách du lịch, đạt 33% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 1.080 tỷ đồng; đạt 30% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết: Dịp nghỉ lễ và hè 2024 dự kiến du khách về tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch tại Tuyên Quang rất đông. Sở đã phối hợp các địa phương chỉ đạo các khu, điểm du lịch chuẩn bị tốt mọi mặt để đón du khách, nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, kịp thời xử lý các vi phạm.
Năm du lịch Tuyên Quang 2024 và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ III tại Tuyên Quang với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn chắc chắn sẽ thu hút lượng khách lớn đến tham quan, trải nghiệm. Với tầm nhìn mới, cách làm mới, quyết tâm đưa Tuyên Quang bứt phá đi lên, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Tỉnh Tuyên Quang mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả các dự án trên địa bàn.