Nam Định: Hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm giúp cho người lao động trên địa bàn sớm tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.

Tạo việc làm mới cho 32,85 nghìn lượt người lao động

Ngay từ đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển thị trường lao động và việc làm; đẩy mạnh các biện pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động; tổ chức rà soát, thu thập thông tin cung, cầu lao động.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nam Định), trung tâm đã duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm vào ngày 10 hàng tháng nhằm kết nối thông tin giữa người lao động và người sử dụng lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động cho những người có nhu cầu tìm việc làm và người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Tính đến tháng 11/2021, trung tâm đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm cố định. Trong đó, có 269 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, 2.287 lao động tham gia phiên; 133 lao động được tuyển dụng trực tiếp tại phiên; 432 lao động được doanh nghiệp nhận hồ sơ và hẹn kiểm tra sau phỏng vấn; tư vấn việc làm và giới thiệu học nghề cho 50.851 lượt người; giới thiệu việc làm cho 3.371 lao động…

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định
Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định

Bên cạnh đó, việc giải quyết chính sách cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng được tỉnh thực hiện nhanh chóng, kịp thời, nhất là việc chủ động dự báo tình hình lao động tham gia BHTN bị mất việc làm trong năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 7.817 hồ sơ lao động thất nghiệp; ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 7.740 lao động; hỗ trợ 167 lao động học nghề để quay lại thị trường lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận, xử lý 100% hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp; tham mưu ban hành 7.740 quyết định giải quyết chế độ BHTN; với 100% thủ tục được giải quyết đảm bảo đúng thời gian quy định về giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm qua tổng đài, website, facebook, zalo, bố trí cho các doanh nghiệp kết hợp tuyển dụng qua hình thức trực tuyến tại các phiên sàn giao dịch việc làm. Thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên website, facebook của trung tâm để tuyên truyền, hỗ trợ người lao động truy cập, hỏi đáp, từ đó liên hệ với các công ty để đăng ký tuyển dụng. Bằng cách làm này, trung tâm đã thực hiện hiệu quả việc gắn kết cung, cầu lao động trên địa bàn tỉnh, trở thành kênh trao đổi thông tin đáng tin cậy giữa người lao động và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trung tâm đã kết nối trực tuyến với chương trình “Ngày hội việc làm trực tuyến online kết nối việc làm 6 tỉnh phía Bắc” tại phiên giao dịch việc làm ngày 7/10/2021. Chương trình này do Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Ninh tổ chức đã thu hút 75 doanh nghiệp của 6 tỉnh tham gia với 6.269 vị trí việc làm trống. Kết quả thu được có 269 lao động tham gia phiên sàn, 120 lao động tham gia phỏng vấn, 3 người được tuyển dụng sau khi phỏng vấn và 63 người được doanh nghiệp nhận hồ sơ và hẹn kiểm tra sau phỏng vấn…

Nhờ những giải pháp đồng bộ, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 32,85 ngàn lượt người lao động (đạt 102,7% kế hoạch năm). Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai, thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 3/12/2021, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.103.178 lượt người với tổng kinh phí hơn 421,1 tỷ đồng.

Phát triển đồng bộ thị trường lao động

Từ những kết quả đạt được, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nam Định sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động trong tình hình mới đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động sớm quay lại thị trường lao động; giới thiệu hoặc cung ứng lao động tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiếu hụt lao động, ổn định sản xuất kinh doanh… Phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 32.000 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75,5% trở lên.

Bên cạnh đó, nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Nam Định xác định xây dựng và phát triển thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có năng suất lao động và tính cạnh tranh là một trong những mục tiêu ưu tiên, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51% và đạt 56% vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% và 90% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo xuống dưới 8%. Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 45% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030…

Để thực hiện những mục tiêu này, tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện các giải pháp như: triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên mới tốt nghiệp các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động. Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới trong hoạt động giao dịch việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chung, thống nhất hoạt động trên toàn quốc về dịch vụ việc làm.

Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BHTN cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của người dân và duy trì sản xuất; thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trang Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Người lao động