Theo Báo cáo số 1206/BC-KTNN trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới đây của Kiểm toán Nhà nước, định hướng kế hoạch kiểm toán năm 2024 của đơn vị này là “làm ít nhưng chất”, nên tổng số nhiệm vụ kiểm toán không tăng so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2023; đồng thời phải bảo đảm lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 về tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, bộ cơ quan trung ương, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin.
Song song với đó, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với định hướng đó, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán (năm 2023 là 129 nhiệm vụ).
Đối với lĩnh vực ngân sách nhà nước, kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 85% tương đương 34/40 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương, năm 2023 là 68%).
Kiểm toán Nhà nước ngày càng chú trọng đến kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề gắn với những vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước |
Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề được xã hội quan tâm liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Về lĩnh vực chuyên đề, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng như: Chuyên đề “Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023 tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước” nhằm đánh giá quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là một trong những đơn vị sẽ được kiểm toán theo kế hoạch năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước |
Về lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 tại 12 doanh nghiệp, gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ kiểm toán năm 2024, Kiểm toán Nhà nước xác định bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động đoàn kiểm toán; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Cân đối lực lượng và thời gian kiểm toán, đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán thông qua tăng cường việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra và có giải pháp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác.