Mở rộng phạm vi công khai kết quả kiểm toán để tạo sức ép thực thi
Nhiều kiến nghị vẫn… trên giấy
Thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một khâu quan trọng trong hoạt động kiểm toán, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước.
Thời gian qua, với sự vào cuộc đôn đốc tích cực của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, đơn vị được kiểm toán, tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Kiểm toán Nhà nước, về cơ bản, các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện. Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15 - 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Mặc dù Luật Kiểm toán Nhà nước quy định bắt buộc các cơ quan, đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kiến nghị kiểm toán, song thực tế, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tính đến 31.3.2023, tổng số kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị; tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.
Ảnh minh họa: Báo Kiểm toán Nhà nước |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Kết quả rà soát, phân tích của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là chủ yếu (chiếm 58,5%) như chưa thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, gặp khó khăn về tài chính, không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động, báo cáo đã thực hiện nhưng chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ để Kiểm toán Nhà nước xác nhận…
Bên cạnh đó là nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (chiếm 2,28%) như chưa kiểm tra thực hiện kiến nghị; nguyên nhân của bên thứ 3 (chiếm 14,3%) như chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…
Cơ quan kiểm toán cần đồng hành đơn vị được kiểm toán
Theo các chuyên gia, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Thực tế đã cho thấy, từ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quốc gia.
Dẫn kinh nghiệm của thế giới, PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, để nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, bên cạnh yếu tố về mặt luật pháp, bằng những hoạt động của Kiểm toán Nhà nước mà cần có những biện pháp mang tính tổng thể, với sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, đơn vị, để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả cao.
Theo đó, cần rà soát lại những quy định mang tính pháp lý trong Luật Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm tính hiệu lực tốt hơn, đặc biệt là vị thế, vai trò, chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước và một số vấn đề liên quan đến phân quyền cũng như giao trách nhiệm và thẩm quyền, nhiệm vụ cho Kiểm toán Nhà nước cần được xác lập lại rõ hơn.
Về phía Kiểm toán Nhà nước, cần tập trung lực lượng, trí tuệ để nâng cao hơn nữa chất lượng của báo cáo kiểm toán. Kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đưa ra là có bằng chứng, chứng minh bằng cơ sở pháp lý song bằng chứng ấy phải khiến đơn vị được kiểm toán thực sự tâm phục, khẩu phục. Khi đó, kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện một cách tự nguyện, tự giác và đơn vị cũng thấy được cái sai, khiếm khuyết của mình.
Cùng với việc tăng cường chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cơ quan kiểm toán cần đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn đơn vị được kiểm toán trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Liên quan đến vấn đề tài chính, có những nội dung rất phức tạp khiến đơn vị được kiểm toán chưa xử lý được một cách đầy đủ kiến nghị kiểm toán. Trong trường hợp đó, rất cần ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia cũng như sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước cùng các bên liên quan, ông Thanh lưu ý.
Chia sẻ với ý kiến trên, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Vũ Ngọc Tuấn cho rằng, ngoài trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, của Kiểm toán Nhà nước, cần phải có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, từ hệ thống cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp cũng như các cơ quan, đơn vị chủ quản, các bộ quản lý ngành. Đặc biệt, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đôn đốc, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Cũng theo ông Tuấn, cần tăng cường, mở rộng phạm vi công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm tạo áp lực với đối tượng được kiểm toán cũng như các đơn vị kiểm toán. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Kiểm toán Nhà nước với các bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kịp thời, đầy đủ kiến nghị kiểm toán…