Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tiếp tục tăng trưởng Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn thu về 1,3 tỷ USD |
Năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2023, xuất khẩu sắn đạt 821,51 nghìn tấn, trị giá 231,64 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu sắn bình quân năm 2023 ở mức 282 USD/tấn, giảm 2,9% so với năm 2022.
Năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022.
Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.
Nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Từ đầu tháng 01/2024 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc tiếp tục tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Mặc dù giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc theo đường bộ (DAF) có tăng nhẹ, nhưng chưa đạt kỳ vọng của các nhà máy sắn Việt Nam. Xu thế tăng giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc chưa thích ứng kịp với biên độ tăng giá bán ra của các nhà máy sắn Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022; năng suất trung bình đạt 204 tạ/ha, tăng khoảng 3,6 tạ/ha và sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022.
Niên vụ sắn 2023/24, tỉnh Thanh Hóa trồng được trên 10.700 ha sắn, giảm khoảng 2.000 ha so với niên vụ trước. Năng suất bình quân đạt khoảng 18-20 tấn/ha. Như vậy, mỗi năm sản lượng sắn đạt khoảng 180.000-200.000 tấn; trong khi nhu cầu sản lượng cần khoảng trên 400.000 tấn/năm.
Vì vậy, trong vụ sắn năm nay, các vùng nguyên liệu sắn trong tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chế biến của các nhà máy. Do những năm gần đây bệnh khảm lá sắn phát triển mạnh, giá thu mua thấp nên hiệu quả trồng sắn không cao. Vì thế, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng giảm dần. Năm nay, thị trường ổn định, nhưng các nhà máy chế biến tinh bột sắn lại không đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.