Giá gạo thế giới đột ngột giảm mạnh 40 USD/tấn, gạo Việt vẫn giữ mức cao Xuất khẩu gạo tăng vọt gần 90% |
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2023?
Lịch sử xuất khẩu gạo 34 năm qua ghi nhận 3 con số kỷ lục về sản lượng, giá trị và giá xuất khẩu bình quân vào năm 2011 lần lượt là 7,1 triệu tấn; 3,65 tỉ USD và 495 USD/tấn. Việc này phản ánh đúng với tình hình và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD |
Năm nay, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu không nhiều hơn nhưng do giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo giá trị xuất khẩu gạo tăng cao kỷ lục.
Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu được 7,3 triệu tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu tối đa được khoảng 7,8 - 7,9 triệu tấn do diện tích trồng không tăng lên nhiều.
Với giá xuất khẩu khoảng 580 – 600 USD/tấn, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD. Con số này cao hơn so với những năm khác khá nhiều.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những ngày gần đây vẫn đang neo cao và đắt nhất thế giới, trong khi giá gạo của các đối thủ cạnh tranh lại tiếp đà giảm mạnh, theo ông, đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân là do sản lượng hiện nay của chúng ta không còn nhiều và đang phải chờ đến vụ Thu Đông. Hơn nữa, tình hình giá gạo các nơi cao quá nên các doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng cũng dè dặt, không dám ký hợp đồng lớn.
Philippines - khách hàng lớn nhất của gạo Việt – chính thức bỏ trần giá gạo nội địa sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại. Giá gạo sẽ giữ ở mức cao chứ khó xuống.
Cầu tăng, sản lượng gạo không còn nhiều đồng nghĩa với giá gạo sẽ vẫn giữ ở mức cao. Dù vậy, dự báo, từ nay đến cuối năm, giá gạo không xuống nhưng cũng khó tăng cao.
Bởi hiện nay, mặc dù Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice) nhưng họ vẫn bán hợp đồng giữa Chính phủ với Chính phủ. Hơn nữa, tới đây, Việt Nam bước vào thu hoạch vụ Thu Đông, trong khi thị trường Thái Lan cũng cần bán. Nói đúng hơn là ai cũng cần bán gạo để thu ngoại tệ về.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) (ảnh Nguyễn Huyền - luagaoviet.com) |
Trong thời gian qua, có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt mức 638 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn, tuy nhiên, dự báo giá gạo sẽ nằm quanh mức 600 USD/tấn, chứ khó tăng mạnh.
Mức giá này sẽ là sự hài hòa của tất cả các bên. Người nông dân có lãi, doanh nghiệp xuất khẩu dễ làm, dễ bán. Nhu cầu thế giới vẫn có, nhưng nếu tăng cao quá thì các nhà nhập khẩu chịu không nổi, họ sẽ chuyển sang mua mặt hàng lương thực khác.
Trong bối cảnh giá gạo tăng cao, bà con nông dân có hưởng lợi nhiều không, thưa ông?
Nếu so với nhiều năm qua thì năm 2023 này người trồng lúa được hưởng lợi nhiều nhất. Chiều hướng trong tương lai, nếu giá gạo vẫn cứ giữ như thế này (không tăng nữa) sẽ rất tốt. Nhà mua thế giới cũng chấp nhận, người trồng lúa có hiệu quả. Với doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường càng bình ổn thì doanh nghiệp sẽ tính toán được về giá mua và lượng mua cũng như giá bán và lượng bán.
Như năm nay, với những doanh nghiệp ký đơn hàng trước khi Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ bị thua lỗ. Được ví như “đón gió, gặp gió độc”, bởi họ ký trước với giá xuất khẩu thấp trong khi phải mua vào với giá cao để trả các đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó.
Theo dự báo của ông, khi nào Ấn Độ dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo?
Thời điểm này chắc Ấn Độ chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo vì hiện nay giá gạo họ bán hợp đồng giữa Chính phủ với Chính phủ ở mức rất tốt. Bên cạnh đó, do lạm phát cao, nên họ cũng phải duy trì giá lương thực. Mặt khác, đến năm 2024, Ấn Độ sẽ bầu cử, do đó, họ cũng rất ngại vấn đề giá lương thực tăng.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thế giới như hiện nay, doanh nghiệp có kế hoạch gì cho việc thu mua gạo trong thời gian sắp tới không, thưa ông?
Vụ Thu Đông, sản lượng thu hoạch không nhiều, do đó, chúng tôi bán bao nhiêu thì mua bấy nhiêu chứ không dám ký các đơn hàng lớn. Vì các đơn hàng lớn, nếu có biến chuyển mạnh về thị trường thì doanh nghiệp mua vào không kịp. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường cũng đã đỡ nhiều, đã định hình được mức giá.
Do doanh nghiệp xuất khẩu với khách hàng chính là thị trường Trung Quốc và châu Phi, vừa rồi chúng tôi có làm một vài đơn hàng và xuất bán cho khách hàng thị trường Trung Quốc với giá khá cao. Hiện Trung Quốc đang bước vào kỳ nghỉ lễ, chúng tôi cũng chưa ký được các đơn hàng nào mới và lớn.
Hiện còn một vài đơn hàng nhỏ xuất khẩu đi thị trường châu Phi, chúng tôi cũng đã chuẩn bị xong.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nếu biết làm thì cũng dễ. Chúng ta cần phải tuân thủ các quy định của thị trường. Hiện, có 22 doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, vấn đề cạnh tranh cũng nhẹ bớt đi.
Xin cám ơn ông!