Cục Quản lý Dược thông tin về nguy cơ thiếu thuốc chống đông máu sử dụng trong phẫu thuật tim |
Chiều ngày 10/10, tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 10/10 |
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, trong đó có cơ chế đặc biệt đặc thù, đặc cách, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều hành, đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19 đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã rất nỗ lực và kịp thời huy động mọi lực lượng, các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19, thành lập các bệnh viện dã chiến và tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và hiệu quả để phục vụ công tác điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc quản lý, điều trị người mắc Covid-19 còn một số bất cập, một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách, công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 còn vướng mắc.
Việc triển khai thực hiện quy định về chế độ hỗ trợ đối với lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch còn chưa kịp thời, chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực, cố gắng, hy sinh của lực lượng này.
Đặc biệt, về việc bảo đảm thuốc, vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế, bà Nguyễn Thúy Anh nêu, việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả; công tác huy động nguồn lực và ngoại giao vắc xin đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc bảo đảm vắc xin, thuốc vật tư y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị Covid-19 còn một số bất cập. Việc quản lý thuốc điều trị Covid-19 có lúc còn chưa chặt chẽ, một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.
“Khi dịch bệnh được kiểm soát, tại các địa phương và cơ sở y tế, có tình trạng vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư, chưa được sử dụng nhưng chưa có phương án xử lý để tránh lãng phí” - bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Ủy ban Xã hội cũng ghi nhận những kiến nghị của Chính phủ nêu tại Báo cáo số 353, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có Báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện một cách đầy đủ để đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các chính sách, biện pháp nêu Nghị quyết 30 cần được tiếp tục duy trì sau ngày 31/12/2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Đặc biệt, trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định” - bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho y tế nói riêng.
Đồng thời, quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Xã hội kiến nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực nhân lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về thuốc, vắc xin.
Tiếp tục chỉ đạo việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh, trong đó có những vướng mắc về thanh quyết toán chi phí điều trị Covid-19, về thuốc, vật tư y tế, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.