11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta tăng trưởng 2 con số Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD |
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các thị trường Brazil, Colombia, Việt Nam, Guatemala, Mexico… Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Hoa Kỳ. Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ.
Năm 2022, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ tăng về chất |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ đạt 129,54 nghìn tấn, trị giá 305,13 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 11,6% về trị giá so với năm 2021.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi trong các tháng cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong năm là 19,76 nghìn tấn, trị giá 43,37 triệu USD vào tháng 12/2022.
Năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt mức 2.355 USD/tấn, tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Hoa Kỳ đạt mức 1.965 USD/ tấn, tăng 13%; cà phê Arabica đạt mức 4.451 USD/tấn, tăng 53,1%.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến sang thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang Hoa Kỳ đạt 109,42 nghìn tấn, trị giá 214,98 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 11,7% về trị giá so với năm 2021; cà phê Arabica đạt 10,1 nghìn tấn, trị giá 44,97 triệu USD, giảm 17% về lượng, nhưng tăng 27,1% về trị giá; cà phê chế biến đạt trên 45 triệu USD, tăng 1,0%. Như vậy, Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta sang Hoa Kỳ dưới dạng thô, chưa mang lại giá trị cao cho ngành.
Tháng 01/2023, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các Quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Bên cạnh đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Hoa Kỳ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết các thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể chậm lại đà nâng lãi suất USD tại phiên họp điều hành tiền tệ sắp diễn ra vào đầu tháng 2/2023. Ngoài ra, giá cà phê Robusta tăng nhờ thông tin sản lượng tồn kho giảm.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Về nguồn cung cà phê, hiện đang có hai luồng dự báo khác nhau. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 dự kiến tăng hơn 800 nghìn bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Brazil.
Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023. USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023, xuống còn 116,1 triệu bao.
Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 ở mức 167,2 triệu bao (bao 60kg), giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020 - 2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường Hoa Kỳ.