Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự tại Luật số 03/2022/QH15, đã góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Công tác Thi hành án dân sự, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được Lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Việc phối hợp với các ngành Nội chính, Tòa án, Kiểm sát, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội trong hoạt động Thi hành án dân sự tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp tiếp tục được rà soát, kiện toàn, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Năm 2022, thi hành xong 1.895 việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng |
Kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt kết quả cao. Cụ thể, đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỉ đồng, tăng hơn 11.895 tỉ đồng so với năm 2021.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện nghiêm trách nhiệm chức năng theo dõi Thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và các khuyến nghị qua hoạt động giám sát của Quốc hội. Một số địa phương có án cao, như: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP.Hà Nội, Quảng Nam, Phú Yên...
Theo dự báo, năm 2023, dự kiến còn nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo sát sao Cục Thi hành án dân sự các địa phương xử lý tài sản kê biên để đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ hiện trạng, tình trạng xử lý tài sản, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước trong các vụ án.
Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân, các tỉnh ủy tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chủ động tham mưu công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; tổ chức đoàn kiểm tra các vụ việc; làm việc với với các địa phương để thúc đẩy việc thu hồi nhanh tài sản tham nhũng, thất thoát lớn.