Phủ nhận thông tin na Chi Lăng bán giá “bèo”
Trước thông tin giá na Chi Lăng xuống thấp, loại 3 lạng 1 trái chỉ được trả 16.000 đồng/kg, bằng một nửa năm ngoái, ông Bùi Hồng Quyết – Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) – cho biết, không có mức giá rẻ như vậy. Thực tế, trên thị trường có nhiều loại na và mức giá cũng khác nhau. Cụ thể, na 16.000 đồng/kg là loại na trái nhỏ, nhiều mắt nhẵn, loại này vị hơi chua và rất nhiều hạt; na loại 3 quả/kg HTX bán với gián 70.000 – 80.000 đồng/kg; na loại trung bình có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Đối với na bở, giá bán duy trì ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg.
Sản phẩm na Chi Lăng của được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đón nhận |
Cũng theo đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc, giá na tại Chi Lăng phụ thuộc vào việc thương lái Trung Quốc có mua hàng hay không. Cụ thể, tại thời điểm mà thương lái Trung Quốc không gom hàng, thương lái trong nước sẽ ép giá người nông dân trồng na. Ngay tại chợ Đồng Bành, giá na lên xuống theo giờ, thậm chí theo phút chứ không ổn định, có thể trước đó 1 kg bán với giá 25.000 đồng/kg, nhưng chỉ 15 phút sau cũng loại na đấy lại được bán với giá 30.000 đồng/kg, và 1 tiếng sau đó cũng loại na đó lại xuống với mức giá 20.000 đồng/kg. Hiện giá na trung bình dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Hiện, trên địa bàn còn trồng giống na Thái, tuy nhiên, các hộ trồng nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều. Na giống Thái trái to, mã sáng đẹp, vị ngọt thanh và được các nhà vườn bán với giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, chủ yếu đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lương Thành Chung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng – cho biết, na Chi Lăng có nhiều loại và hiện mức giá trung bình tại huyện Chi Lăng là khoảng 40.000 đồng/kg, loại na 3 quả 1kg có giá 80.000 đồng/kg, thậm chí có những loại 100.000 đồng/kg. Như vậy, thông tin mà giá na 16.000 đồng/kg loại 3 quả là thông tin không chính xác.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn được na ngon, ông Bùi Hồng Quyết cho biết, người tiêu dùng nên lựa chọn những quả na to, tròn đều, mắt na to, các rãnh giữa các mắt sâu, mắt gỗ thì ăn sẽ rất ngọt và thơm, còn những quả na mắt lì và quả tròn nhỏ thì ăn sẽ rất nhiều hạt.
Tập trung ưu tiên phát triển thị trường nội địa
Ông Lương Thành Chung cho hay, việc tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung thông qua 2 kênh gồm: xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng khoảng 1/3, phần còn lại sẽ tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cũng theo ông Lương Thành Chung, năm 2019, sản lượng na tương đương với năm 2018. Trước những dự báo khó khăn từ cuối năm 2018 từ các bộ, ngành về việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn sang thị trường Trung Quốc, về phía huyện cũng đã khuyến cáo bà con trồng rải vụ. Do đó, nếu như năm 2018 na Chi Lăng được tiêu thụ trong thời gian 2 - 2,5 tháng, thì sang năm nay, na Chi Lăng dự kiến sẽ kéo dài thời gian tiêu thụ từ 3 – 4 tháng, giảm áp lực về mặt thị trường.
Do làm tốt công tác quảng bá tiêu thụ đến các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… nên hiện thương hiệu na Chi Lăng đã được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Năm 2019, huyện Chi Lăng tập trung ưu tiên phát triển tại thị trường trong nước, xác định thị trường nội địa là chính.
"Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, dù việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình tiêu thụ na Chi Lăng. Với sản lượng 30 nghìn tấn/năm, việc tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng rất tốt", ông Lương Thành Chung nói.
Hiện vùng trồng của HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc có diện tích hơn 100 ha, trong đó có 25 ha làm theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bùi Hồng Quyết cho hay, do HTX mới thành lập nên đầu ra cũng chỉ chủ yếu là bán tại chợ, thương lái các tỉnh đến thu mua. Hiện HTX cũng đang tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tìm đầu ra ổn định cho trái na cho HTX. Đồng thời, do đã được khuyến cáo từ trước về trồng rải vụ, nên HTX cũng không chịu áp lực tiêu thụ quá lớn.
Liên quan đến việc trái na chưa nằm trong các mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Lương Thành Chung cho hay, UBND huyện đang kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn để đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để cho trái na sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Bên cạnh đó, khuyến nghị những người trồng na Chi Lăng tăng cường sản xuất na an toàn và truy xuất nguồn gốc để khi có thể xuất khẩu được chính ngạch thì trái na Chi Lăng có thể triển khai xuất khẩu được ngay. UBND huyện cũng đã hướng dẫn các HTX làm đầu mối ký kết, tiêu thụ sản phẩm na cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn: Hiện quả na chưa nằm trong danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thúc đẩy đàm phán để có thể xuất khẩu các sản phẩm nông sản trong đó có trái na để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, từ đó tăng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam, tăng thu nhập cho người trồng nông dân. |