Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước nhiều đầu mối kinh tế mũi nhọn, trong đó có công nghiệp. Vì vậy, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đó là thể hiện một tư duy sáng tạo, nhạy bén và kịp thời; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ảnh minh họa |
30 năm trước, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng đất nước ta tiến lên công nghiệp hóa. Nhưng thời điểm đề hoàn thành nhiệm vụ chính trị đó chưa được như mong muốn bởi vướng mắc nhiều về nguồn lực đầu tư, cơ chế, chính sách và đặc biệt là hệ thống pháp luật.
Năm 1999, Chính phủ cũng đã giao mục tiêu phấn đấu cho ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy là đến năm 2010 phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 30-40%. Song cũng do khó khăn về vốn đầu tư, nhân lực và các chính sách chưa phù hợp nên chỉ tiêu nội địa hóa cũng gần như "dậm chân tại chỗ" trong 5 năm đầu.
Bây giờ thì tình hình đã khác. Chúng ta đã có những doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại xứng tầm quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư nước ngoài đã tạo thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào liên doanh, liên kết với chúng ta để không ngừng hiện đại hóa nền công nghiệp. Từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.
Chưa dừng lại ở đó, chúng ta đang phấn đấu xây dựng nền công nghiệp ở tầm cao hơn, làm ăn bài bản mang tính bền vững hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật mà trong đó có Luật Phát triển công nghiệp do Bộ Công Thương đề xuất.
Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.
Theo như dự thảo của dự án luật Luật Phát triển công nghiệp thì phạm vi điều chỉnh là các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm: Công nghiệp hỗ trợ; Công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); Công nghiệp cơ khí; Công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Luật sẽ quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Thành Công, từ thực tế của Tập đoàn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định “Đề án Luật Phát triển công nghiệp sẽ góp phần mở đường phát triển cho các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, trong đó có công nghiệp cơ khí, ô tô”.
Hy vọng rằng, Luật Phát triển công nghiệp sẽ được Quốc hội sớm đưa ra thảo luận và thông qua để luật đi vào cuộc sống, mở ra chặng đường mới cho các ngành công nghiệp Việt Nam thu hút đầu tư và phát triển bền vững.