Mục tiêu mới trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Lào Cai
Sau một năm 2023 tương đối ảm đạm đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đây thật sự là tín hiệu vui và là tiền đề quan trọng để Lào Cai hướng tới mục tiêu lớn đạt kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2024.
Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc”.
Xe hàng hóa tập kết tại Cửa khẩu số 2 Kim Thành. |
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng tây nam, Trung Quốc, trong đó hạt nhân là Khu hợp tác kinh tế qua biên giới đa ngành, lĩnh vực, có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics.
Thực tiễn triển khai thời gian qua đã làm diện mạo của tỉnh Lào Cai thay đổi nhanh chóng. Giai đoạn 2011 đến nay, công tác đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng được quan tâm, chú trọng, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều đạt hơn 2 tỷ USD, đỉnh cao năm 2019 đạt 3,8 tỷ USD, số thu ngân sách đạt 2.148 tỷ đồng, thu hút được hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia kinh doanh, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo động lực lan tỏa rộng lớn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai có tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ nó góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tạo ra sự phát triển ở các vùng để hình thành khu vực thị trường rộng lớn, có khả năng thu hút và thâm nhập với các khu vực thị trường khác.
Dự báo năm 2024, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn, công tác thu hút đầu tư sẽ được tỉnh đẩy mạnh và có nhiều cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đến với Lào Cai. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 là kim ngạch xuất nhập qua cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD đã được Lào Cai đặt ra ngay từ đầu năm.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường, để đạt mục tiêu này, bước sang đầu năm mới, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động tại cửa khẩu, từ đó nâng cao hiệu suất thông quan, minh bạch thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tìm hướng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa Lào Cai với Vân Nam nói riêng; xây dựng mô hình cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu thành cặp cửa khẩu kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt-Trung; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành trong khu kinh tế cửa khẩu, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng,...
Bằng những việc làm căn cơ, mang tính nền tảng, đồng thời đúc rút những bài học từ thực tiễn, tập thể lãnh đạo tỉnh đã bàn bạc thấu đáo, thống nhất định hướng xây dựng Lào Cai trở thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước với hạt nhân là khu kinh tế cửa khẩu.
Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng cửa khẩu có ý nghĩa quyết định gồm đầu tư, xây dựng cầu đường bộ Bản Vược-Bá Sái; thúc đẩy mở cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược-Bá Sái; tập trung thu hút đầu tư hạ tầng, dự án logistics trong khu Kim Thành-Bản Vược làm hạt nhân cho khu kinh tế cửa khẩu,…
Từ những định hướng chiến lược này, nhiều giải pháp hành chính, kỹ thuật đã được áp dụng một cách linh hoạt ở lĩnh vực kinh tế cửa khẩu, như cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan, mở rộng bến bãi hàng hóa,…
Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai Vương Trinh Quốc đánh giá, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết, tăng cường chuyển đổi số nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ khi triển khai thủ tục hải quan điện tử, thay vì phải đến tận nơi và mất nhiều giờ đồng hồ để có thể hoàn thành các thủ tục, thì nay chỉ chưa đầy 30 phút, các thủ tục đã được hoàn thiện xong để thực hiện thông quan.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai Vũ Duy Hưng cho biết, hiện khoảng 600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu này. Đơn vị đã thu thập thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng nông sản vào diện miễn kiểm tra đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan, qua đó tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian và nhanh chóng thông quan hàng hóa,...
Trên thực tế, điều này đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Lào Cai. Chị Nguyễn Thị Hải, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dũng Hà (Lào Cai) cho biết: “Khi chưa triển khai thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp chúng tôi phải làm tờ khai bằng giấy, phải qua rất nhiều bước phiền toái, còn bây giờ có tờ khai điện tử, toàn bộ quá trình thông quan chỉ mất khoảng 30 phút, rất thuận tiện. Việc thông quan nhanh cho hàng hóa kịp thời ra khỏi bãi đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp”.
Ngoài các giải pháp về thủ tục hành chính và đầu tư hạ tầng, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức nhiều hội nghị thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thị trường Vân Nam (Trung Quốc), qua đó tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực vận tải, thông thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh,…