Ươm cây dổi giống. |
Xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình được mệnh danh là "thủ phủ" hạt dổi của tỉnh Hòa Bình.
Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường ẩm thực trong nước ngày càng phong phú, hạt dổi trở thành gia vị đặc sản không thể thiếu.
Với ưu điểm không mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ, sản phẩm hạt lại dễ thu hoạch, bảo quản, chỉ cần phơi khô, không sợ hỏng, mốc và bán được quanh năm nên cây dổi đang trở thành cây chủ lực đem lại thu nhập kinh tế cao, hướng đi xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu của người dân nơi đây.
Xã Chí Đạo hiện có hơn 300 hộ dân trồng khoảng hơn 42ha cây dổi (hơn 20.000 cây) ở các độ tuổi, trong đó gần 4.000 cây đã cho thu hoạch quả.
Cây dổi trồng 8 năm thì ra hoa, bói hạt, nếu trồng cây cấy ghép thì thời gian sẽ được rút ngắn được một nửa. Cây càng lâu năm, giá trị gỗ, hạt càng cao.
Anh Bùi Văn Lanh, xóm Be Trên, xã Chí Đạo cho biết vụ dổi năm nay gia đình thu trên 2 tạ hạt đỏ và ươm gần 4 vạn cây dổi giống. Thu nhập của gia đình đạt khoảng trên trên 300 triệu đồng/năm.
Nhờ cây dổi, cuộc sống của gia đình đã thay đổi nhiều. Mọi vật dụng cơ bản trong gia đình được mua sắm và có điều kiện hơn để chăm lo cho con cái học hành.
Chia sẻ tiềm năng kinh tế cây dổi đem lại, Trưởng xóm Be, xã Chí Đạo, ông Bùi Văn Bun vui mừng cho biết năm nay dổi được mùa, có những cây dổi cho thu 2 tạ hạt tươi, giá bán hiện tại là 500.000 đồng/kg, hạt dổi thành phẩm phơi khô trên 1.500.000 đồng/kg. Bà con thu hoạch xong đã có thương lái thu mua tại vườn.
Ông Bun là một trong những người phát triển ươm, ghép giống dổi đầu tiên của xã nên khách hàng tin tưởng lựa chọn cây giống của gia đình ông và đặt hàng.
Ngoài ra, ông Bun cũng sẵn sàng đến tận vườn để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dổi cho những người đến mua. Hiện, gia đình ông Bun nhận hợp đồng chuyển giao kỹ thuật trồng cho nhiều khách hàng đến từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La và cả các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Đến xã Chí Đạo để mua cây dổi giống, anh Nguyễn Quang Phương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bày tỏ: "Chúng tôi đi khảo sát rất nhiều nơi, các tỉnh miền núi Tây Bắc quỹ đất còn rất nhiều, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, khoai, sắn, cây thông... đặc biệt những vùng đất cằn thì giá trị sản phẩm cực thấp, hiệu quả kinh tế không cao. 2 năm trước, qua tìm hiểu tôi được biết giá trị cây dổi mang lại cực lớn, từ đó đã tìm đến cơ sở gieo trồng cây giống ở xã Chí Đạo mua cây giống về trồng. Đến nay, cây đã to khỏe, xanh tốt, hầu như không có sâu bệnh."
Anh Phương cho biết thêm, hai năm nữa, khi cây dổi bói quả, thu nhập gia đình dần ổn định, anh sẽ mở rộng diện tích đến các hộ dân khác và các vùng lân cận.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chí Đạo, ông Bùi Văn Luyến cho biết cây dổi đã gắn bó với bà con người Mường ở xã Chí Đạo từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, nhu cầu hạt dổi tăng cao nên bà con đã thu được khoản tiền rất lớn từ cây dổi.
Diện tích trồng dổi tại xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình |
So với những cây trồng khác, cây dổi mang lại lợi ích kép. Sau 8 năm dổi cho thu hạt và sau mỗi năm cây dổi cho nhiều hạt hơn. Sau này, cây dổi còn bán được cả gỗ. Dổi còn tạo môi trường trong lành, mát mẻ và tương lai sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch. Cây dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh, có mùi thơm. Đây có thể coi là cây xóa đói giảm nghèo của người dân tại địa phương.
Khi cây dổi ở rừng tự nhiên không còn nhiều, hạt dổi Chí Đạo trở thành đặc sản bởi trữ lượng tinh dầu cao, mùi vị thơm, không đắng và không có sự pha trộn các loại hạt có hình dạng tương tự... Giá trị của cây dổi được khẳng định khi nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ ngày 18/12/2014.
Với giá bán 500.000 đồng/kg hạt dổi, các hộ gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. |