Eximbank bán 22 xe ô tô chở tiền Eximbank: Chất lượng tài sản đi xuống, chi phí dự phòng đi lên, mục tiêu lợi nhuận xa vời Cổ đông lớn của Eximbank là doanh nghiệp nào? |
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024. Đáng chú ý, so với danh sách công bố ngày 13/8, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) mua vào 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51%. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank, sau Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã CK: GEX).
Việc Vietcombank mua hơn 78 triệu cổ phiếu EIB đã gây bất ngờ trên thị trường. Dù giá mua không được tiết lộ, song tạm tính theo giá cổ phiếu hiện tại, giá trị thương vụ này ước khoảng 1.400 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Eximbank, được cập nhật đến ngày 10/10/2024. Nguồn: Eximbank |
Trước đó vào ngày 13/10, Eximbank còn đón nhận thêm cổ đông chiến lược Gelex (GEX) với tỉ lệ nắm giữ 10% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài hai cổ đông lớn nhất này, Eximbank còn 3 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ là: CTCP Chứng khoán VIX, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan.
Vietcombank là ngân hàng thương mại có giá trị vốn hóa và lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, đây cũng là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất Việt Nam. Trong khi đó, Eximbank sau khi chia tay đối tác ngoại gắn bó nhiều năm SMBC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quyết liệt với sự xuất hiện của nhiều cổ đông mới.
Thời gian gần đây, Eximbank phải đối mặt với những đợt sóng ngầm. Ngày 14/10/2024, đã có thông tin lan truyền trên mạng xã hội mang tính tiêu cực về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Và trong phiên giao dịch cùng ngày ghi nhận lượng thanh khoản cổ phiếu EIB cao kỷ lục, hơn 99,7 triệu cổ phiếu, tương đương 5,35% vốn của Eximbank được giao dịch với tổng giá trị 1.827 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trở lại của EIB, kể từ phiên 17/11/2022. Trong đó, hơn 57 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận, tương đương 3,06% vốn, giá trị 1.049 tỷ đồng.
Kết phiên 14/10, cổ phiếu EIB giảm 4,45% so với tham chiếu xuống còn 18.250 đồng/cổ phiếu. Tiếp đó, phiên 15/10 thị giá EIB tiếp tục giảm về 18.200 đồng/cổ phiếu.
Thời gian gần đây, Eximbank phải đối mặt với những đợt sóng ngầm. Ảnh: Eximbank |
Ngay sau đó, Eximbank đã ra thông cáo khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội không xuất phát từ ngân hàng. Đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác.
Eximbank cũng vừa bổ nhiệm ông Phạm Đăng Khoa - cựu Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi (HOSE: TCD) - công ty thành viên của Bamboo Capital - vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 11/10/2024 với thời hạn 3 năm. Động thái này tiếp nối sự kiện Eximbank chào đón cổ đông lớn là Gelex sau khi hoàn tất nâng sở hữu lên 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn.
Trong diễn biến liên quan, Eximbank thông báo triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội.
Về hoạt động kinh doanh, nguồn tin từ Eximbank cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tổng huy động tăng 9,1% so với đầu năm; tăng 12.2% so với cùng kỳ. Dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý III tăng 39% so với cùng kỳ).