“Hạt nhân - con bài của Iran”
Theo tạp chí Foreign Affairs, tháng 4/2024, cuộc chiến âm ỉ ở Trung Đông gần như đã chuyển thành chiến tranh hạt nhân khi Iran triển khai hơn 300 tên lửa và thiết bị không người lái cảm tử tấn công Israel nhằm đáp trả hành động tấn công của nước này vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Syria. Đây không phải lần đầu tiên Iran tấn công trực tiếp Israel và các thanh sát viên quốc tế đã tránh xa các cơ sở hạt nhân của Iran vì lo sợ phản ứng đáp trả.
Trong khi thế giới đang chờ đợi diễn biến tiếp theo, chỉ huy quân đội Iran phụ trách bảo vệ các địa điểm hạt nhân của nước này đưa ra cảnh báo công khai rằng Tehran có thể sẽ sửa đổi học thuyết hạt nhân nếu Israel tấn công các địa điểm này. Đây rõ ràng là lời đe dọa rằng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhà máy hạt nhân Natanz ở Isfahan (Iran) vào tháng 10/2020. Ảnh: Maxar |
Tehran từ lâu đã đe dọa mở rộng hạt nhân để giảm thiểu sức ép quốc tế. Thế nhưng, tuyên bố trên của vị chỉ huy quân sự đã cho thấy rõ một bước tiến mới nguy hiểm trong chiến lược của Iran đó là sử dụng năng lực đã được tăng cường của nước này để chế tạo vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe. Đa số bằng chứng cho thấy Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân và Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho tới nay vẫn trì hoãn việc chế tạo vũ khí hạt nhân vì nhận thấy rủi ro nhiều hơn lợi ích.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Iran dần đạt được nhiều năng lực then chốt cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, trở thành quốc gia ở ngưỡng cửa hạt nhân. Giờ đây, Iran có thể sản xuất đủ lượng uranium độ giàu cao để chế tạo bom chỉ trong vài ngày. Bằng cách nhấn mạnh khả năng chế tạo bom và đáp trả các hành động khiêu khích cụ thể bằng việc đe dọa thực hiện các bước cuối cùng để chế tạo vũ khí hạt nhân, Tehran hy vọng có thể ngăn chặn các lệnh trừng phạt quốc tế và một cuộc tấn công nhằm vào chương trình hạt nhân của mình.
Iran “đe dọa” hạt nhân có lộ trình
Một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy Iran đang tìm cách sử dụng năng lực ở ngưỡng cửa hạt nhân như một biện pháp răn đe đã xuất hiện vào năm 2023, sau khi Pháp, Đức và Anh đe dọa tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Iran nếu nước này làm giàu uranium đến cấp độ vũ khí hay chuyển giao tên lửa cho Nga. Đáp lại, Tehran đe dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Điều này hẳn sẽ xóa bỏ rào cản pháp lý quan trọng nhất giữa Iran và bom hạt nhân, đồng thời có thể đưa chương trình hạt nhân Iran thoát khỏi sự giám sát của cộng đồng quốc tế - nghĩa là thế giới sẽ không có cách nào biết được liệu Iran có đang chế tạo vũ khí hạt nhân hay không. Những lời đe dọa này dường như đã mang lại tác dụng như mong muốn. Cho đến nay, Iran vẫn chưa làm giàu uranium đến 90%, thường được xem là uranium cấp độ vũ khí và châu Âu vẫn chưa tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Thế nhưng, nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết, thì các mối đe dọa nhiều khả năng sẽ xuất hiện trở lại.
Chiến lược của Iran là cảnh báo sẽ chế tạo bom đã trở nên nổi bật, công khai và rõ ràng hơn sau sự kiện ngày 7/10/2023 và cuộc chiến ở Dải Gaza. Trong suốt cuộc xung đột này, Iran liên tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel, lực lượng Mỹ và tàu vận tải quốc tế thông qua các nhóm ủy nhiệm trên khắp khu vực.
Chương trình hạt nhân cũng đóng vai trò nhất định trong việc quản lý khủng hoảng của Iran, vì Tehran đã dựa vào việc kết hợp tín hiệu kỹ thuật và các lời tuyên bố để tăng độ tin cậy của khả năng răn đe ở ngưỡng cửa hạt nhân và kiểm soát rủi ro leo thang. Việc các nhà lãnh đạo Iran vẫn chú ý đến chương trình hạt nhân là dấu hiệu cho thấy họ coi năng lực ở ngưỡng cửa hạt nhân là tài sản hơn là trách nhiệm.
Ngoài ra, các quan chức Iran cũng tăng cường bình luận về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và bối cảnh Iran có thể làm vậy. Tháng 1/2024, ông Mohammad Eslami, người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran, đã nhắc lại lập trường từ lâu của Iran rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa bao giờ là một phần trong học thuyết an ninh và quốc phòng của Iran, nhưng nói thêm việc Tehran trì hoãn chế tạo vũ khí hạt nhân cũng đóng vai trò như một biện pháp răn đe.
Iran trưng bày một số máy ly tâm thế hệ mới trong Ngày Năng lượng Hạt nhân Quốc gia năm 2021. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Iran sau đó đã đăng tải phát biểu của ông Eslami lên mạng xã hội. Tháng 2/2024, ông Ali Akbar Salehi, người tiền nhiệm của ông và là một trong những nhà đàm phán chính về thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đã nói rõ quan điểm của ông Eslami. Khi được hỏi liệu Iran có chế tạo bom hạt nhân hay không, ông Salehi trả lời, Iran đã vượt qua tất cả các ngưỡng cửa hạt nhân về mặt khoa học và kỹ thuật.
Theo giới chuyên gia, với năng lực hiện tại, Iran không thể ngay lập tức chế tạo bom hạt nhân như họ đe dọa. Mặc dù Iran có thể nhanh chóng sản xuất vật liệu để chế tạo bom, nhưng việc chế tạo bom sẽ mất nhiều tháng. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Iran rõ ràng muốn sử dụng chương trình hạt nhân như một biện pháp răn đe. Việc Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho phép đưa ra các tuyên bố này là động thái đáng chú ý. Điều đó chứng tỏ ông nhận thấy các tuyên bố này là hữu ích.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận tiếp diễn về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Các quan chức Iran chủ trương xây dựng kho hạt nhân có thể coi luận điểm này là bước mở đầu cho việc lặp lại lập luận ủng hộ hành động trên hoặc tiến gần hơn đến ngưỡng cửa hạt nhân.
Iran trong “tầm ngắm”
Khi Mỹ và đồng minh tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho thách thức hạt nhân đến từ Iran, họ phải kìm hãm các mối đe dọa và ngăn chặn Tehran vượt qua ngưỡng cửa hạt nhân. Mục tiêu này có thể đạt được vì, bất chấp những lời cảnh báo của Iran, Mỹ và đồng minh phải tin Iran sẽ không chế tạo vũ khí hạt nhân nếu các “lằn ranh đỏ” cụ thể của nước này được tôn trọng.
Những “lằn ranh đỏ” này dường như là sự đáp trả đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, tức là việc tái áp đặt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bị xóa bỏ như một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tuy nhiên, Iran càng cản trở hoạt động giám sát của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân, thì việc đảm bảo sự tôn trọng đối với các “lằn ranh đỏ” của Iran càng khó và cuộc tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran dựa trên những nhận định sai lầm càng dễ xảy ra.
Trong cuộc họp gần đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Pháp, Đức, Anh và Mỹ đã nhắc đến lời đe dọa này trước việc Iran tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân và thiếu minh bạch, đồng thời hệ thống hóa những lời lên án đối với Iran thành nghị quyết.
Bên cạnh đó, việc đạt được một thỏa thuận có thể đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran sẽ khó khăn hơn. Mục tiêu của Tehran có thể là duy trì vị thế ở ngưỡng cửa hạt nhân và thời gian sắp hết. Tháng 10/2025 là thời hạn thực tế cho việc kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Sau thời điểm này, các bên còn lại của thỏa thuận - Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh - sẽ không còn khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế thông qua thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và chương trình hạt nhân của Iran sẽ bị loại khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đối với Tehran, thời điểm này đến sẽ giúp họ đạt được cả 2 mục tiêu là dỡ bỏ cơ chế trừng phạt của Liên Hợp Quốc và duy trì năng lực ở ngưỡng hạt nhân.
Giới chuyên gia nhận định, đây là kịch bản mà Mỹ và đồng minh muốn tránh khi xét tới việc Nga và Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Mặc dù các biện pháp trừng phạt đơn phương do Mỹ và châu Âu áp đặt vẫn được duy trì, và Nga cũng như Trung Quốc có thể sẽ quyết định phớt lờ các biện pháp trừng phạt được áp đặt thông qua cơ chế đáp trả.