Đến với màn gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 vào tối qua, hai startup trẻ nhà LAGOM mang đến sản phẩm vô cùng độc đáo và ý nghĩa là móc áo được tái chế 100% từ vỏ sữa giấy đầu tiên trên thế giới, đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Đức vào năm 2022. Với tham vọng xây dựng một nhà máy sản xuất quy mô lớn, LAGOM đặt mục tiêu gọi vốn 43 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần.
Trước khi đến với LAGOM, CEO Lê Trung Thông tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện tử - Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Trần Văn Hiếu – kỹ sư Đại học Xây dựng đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Tuy nhiên, sau thời gian dài suy nghĩ, vị CEO trẻ này nhận thấy bản thân mình cần phải làm một điều gì đó khác đi, mong muốn đóng góp cho xã hội thông qua việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là ngành công nghiệp tái chế, khi tham gia các hoạt động từ thiện và nhận thấy khó khăn trong việc xử lý rác thải tại nhiều địa phương.
Lê Trung Thông - Founder LAGOM (phải) và Trần Văn Hiếu, Co-Founder (Ảnh: Shark Tank Việt Nam) |
Ra đời vào năm 2019, LAGOM đã không ngừng nghiên cứu và phát triển các giải pháp tái chế các loại rác thải nhựa phức tạp trong vòng 5 năm qua. Để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, startup đã dành thời gian giáo dục nhận thức cho các học sinh cũng như hộ gia đình. Đến thời điểm hiện tại, LAGOM đang tiến hành thu gom nguyên vật liệu từ 2.000 trường học.
Bên cạnh đó, startup cũng tiến hành R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) và đã làm ra những sản phẩm tái chế phục vụ cho ngành ngoại thất, nội thất, ngành hàng thời trang. Một trong số đó là sản phẩm LAGOM ECO HANGER – móc áo được tái chế 100% từ vỏ sữa giấy đầu tiên trên thế giới và đã đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Đức vào năm 2022. Theo tiết lộ, sản phẩm này có giá bán gần 0,5 USD, rẻ hơn so với mức giá 2 USD của các sản phẩm hiện có ở châu Âu.
Bằng cách kết hợp giữa giáo dục, công nghệ và sáng tạo, doanh nghiệp trẻ này đã tạo ra những sản phẩm có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Trong quá trình tìm hiểu các mô hình tái chế ở nước ngoài, anh Thông nhận thấy một hạn chế lớn: "Công nghệ thì họ làm được nhưng mà cái dàn máy đó họ bán lại cho em thì có nghĩa là họ không vận hành được". Nguyên nhân chính là do thiếu hệ thống thu gom và phân loại rác thải từ nguồn.
Nhận thấy được vấn đề trên, LAGOM đã chủ động xây dựng một hệ sinh thái tái chế khép kín. Anh Thông chia sẻ: "Rác thải đa lớp rất khó tái chế và hiện tại thì chưa ai làm được. Chính vì chưa ai làm nên mình cần phải setup từ hệ thống thu gom đến hệ thống tái chế". Điều này có nghĩa là LAGOM không chỉ tập trung vào công nghệ sản xuất mà còn đầu tư vào việc xây dựng hệ thống thu gom và giáo dục cộng đồng. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và giúp startup trẻ này vượt qua những thách thức trong lĩnh vực tái chế.
Từ năm 2022, LAGOM đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện công nghệ sản xuất quy mô lớn. Với dự án tái chế 2.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, LAGOM dự kiến đạt doanh thu 50 tỷ đồng và lợi nhuận 12,5 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên, đồng thời duy trì mức tăng trưởng 30% hàng năm. CEO Lê Trung Thông chia sẻ: "Chúng tôi đặt mục tiêu nhân 5 công suất lên 10.000 tấn sau 4 năm".
Trong giai đoạn 5 năm đầu, LAGOM chủ yếu tập trung nghiên cứu sản phẩm, thiết lập hệ thống thu gom và chưa tập trung vào việc bán hàng. LAGOM đã đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ lũy kế gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số vốn điều lệ 6,6 tỷ ban đầu đã góp đủ thì tính tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 1,6 tỷ.
“Thực ra bọn em đến với ngành tái chế không phải là vì doanh thu và lợi nhuận. Trước đó bọn em làm cầu đường cũng tương đối thành công về mặt vật chất. Nhưng mà nó không đủ khái niệm, tinh thần của một người đàn ông hay là một người bố. Em có 3 con trai và em muốn con mình có những hoài bão và lý tưởng lớn. Em mà không làm thì con em sẽ không tin vào những gì em nói. Nên là chắn một điều là em sẽ phải làm đúng những gì mà em đã công bố với các Shark”, Lê Trung Thông cho biết.
Để hiện thực hóa tham vọng này, LAGOM cần một nguồn vốn đầu tư lớn và đã quyết định kêu gọi 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần tại Shark Tank, trong đó 39 tỷ sẽ được dùng để xây dựng nhà máy mới.
Trước kế hoạch gọi vốn để xây dựng nhà máy của startup đã nhận về nhiều ý kiến cho rằng "tái chế môi trường xanh mà gọi vốn lại không xanh lắm". Thương vụ này còn quá rủi ro khi mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc kêu gọi vốn 43 tỷ là khó thành công.
Tuy nhiên, ấn tượng với câu chuyện khởi nghiệp, tinh thần vì cộng đồng, vì lời hứa của một người đàn ông với con mình, Shark Hưng cho biết ông sẽ đồng hành cùng startup xây dựng phương án gọi vốn.
Bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ những gì LAGOM đã làm được nhưng dưới góc nhìn của một nhà đầu tư với một thương vụ có quy mô lớn mà doanh thu của doanh nghiệp còn rất ít, Shark Minh Beta cũng quyết định không đầu tư.
Shark Thái gợi ý thay vì đầu tư hẳn một nhà máy to bởi có thể hiệu quả sẽ kém thì hoàn toàn có thể xử lý, tái chế tại chỗ được, dùng vào luôn trong khu vực ấy. Shark Thái cũng chia sẻ thêm: “Nếu có thể điều chỉnh việc gọi vốn ở một mức độ nó vừa tầm hơn thì tôi sẵn sàng đầu tư đồng hành cùng bạn. Nhưng với cái deal hiện tại thì tôi xin phép từ chối".
Tương tự, Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối đầu tư nhưng bà cho biết sẽ hỗ trợ startup kết nối không lấy phí với các quỹ NGO – quỹ phi Chính phủ, phi lợi nhuận của quốc tế chuyên đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường, tác động đến xã hội. Ngoài ra, nữ “cá mập” còn khuyên startup nên thông qua một tổ chức thứ ba chứng nhận về chất lượng sản phẩm để có thể giảm bớt chi phí marketing.
Dù không nhận được bất kỳ deal nào cho lần gọi vốn này, nhưng startup lại có được sự đồng hành của cả 5 Shark, sẵn sàng làm cố vấn, trở thành mentor cho startup.