Ninh Thuận: Tăng cường các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp Ninh Thuận: Khai thác tiềm năng thị trường khách du lịch đến từ Ấn Độ |
Nông sản Ninh Thuận được ưa chuộng trên sàn thương mại điện tử
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận là một trong những doanh nghiệp sản xuất nông sản được địa phương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử http://sanphamninhthuan.com do Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng. Sau một thời gian tiêu thụ nông sản, Sàn thương mại điện tử đã phát huy hiệu quả tốt đối với công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm vì thông qua sàn này, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của công ty và liên hệ trực tiếp với công ty từ số điện thoại, địa chỉ liên hệ được thông tin trên sàn.
Đây là một trong nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ kênh thương mại điện tử địa phương.
Doanh nghiệp sản xuất nông sản được hưởng lợi từ kênh thương mại điện tử địa phương. (Ảnh - TTXVN) |
Theo thông tin từ Sở Công Thương Ninh Thuận, để hỗ trợ, kết nối các cơ sở sản xuất đa dạng kênh tiêu thụ và tiếp cận nhanh, hiệu quả với các ứng dụng thương mại điện tử, đồng thời căn cứ nhiệm vụ và mục tiêu về chiến lược phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 2351/KH-UBND ngày 14/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước, quốc tế. Nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung cầu sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế; tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai.
Hiện nay hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia, hưởng ứng của 92 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, với khoảng 300 sản phẩm được thực hiện quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ các sản phẩm nông sản như: Nho táo, măng tây, nha đam... đến các sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch lữ hành... Đặc biệt, đã có hơn 123 sản phẩm OCOP của 50 cơ sở, doanh nghiệp được đăng tải lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm còn được tiêu thụ trên các kênh mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Zalo...
Thực tế thời gian qua cho thấy, các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ rất tốt cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc tham gia thương mại điện tử đã giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ, thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất, kinh doanh và ổn định sản xuất. Sản lượng tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử trung bình chiếm 25-30% sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả của các sàn thương mại điện tử
Để phát huy hiệu quả của các sàn thương mại điện tử địa phương, ngày 16/4/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 1667/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
Kế hoạch đặt ra yêu cầu phát huy tiềm năng, điều kiện thực tế của tỉnh để phát triển thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế số. Bên cạnh đó, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đầu tư hạ tầng thương mại điện tử, đảm bảo nguồn nhân lực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử.
Để triển khai kế hoạch này, Sở Công Thương Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.