Nâng cao tỷ lệ học sinh đến lớp
Có mặt vào đúng giờ ăn chiều của Trường Tiểu học Huồi Tụ 2, huyện Kỳ Sơn, tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm tối mới thấy hết trên những khuôn mặt hồn nhiên, có em còn lấm lem bùn đất hiện lên sự háo hức khi giờ ăn bắt đầu. Ngày nào cũng thế, sau giờ học trên lớp, các em được thầy cô tổ chức ăn trưa và tối. Mỗi bữa ăn tươm tất đều có sự hỗ trợ theo chính sách của tỉnh Nghệ An và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, phụ huynh. Ở đây các thầy, cô giáo thay phiên nhau đi chợ làm bếp, lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn. Bên cạnh đó, giáo viên của trường còn tổ chức tăng gia, trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.
|
Huồi Tụ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tại điểm trường Tiểu học Huồi Tụ 2 cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 35km, nhà trường phụ trách 7 điểm bản với 100% là học sinh người H’Mông. Ở đây tỷ lệ gia đình hộ nghèo chiếm hơn 2/3 số học sinh toàn trường. Khi chưa có mô hình trường bán trú, học sinh của trường phải học ở 5 điểm trường lẻ ở các bản xa trung tâm, trong các ngôi nhà tạm làm bằng vật liệu thô sơ. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến.
Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ. Dần dần, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp được nâng lên. Hiện nay, hàng trăm học sinh của huyện Kỳ Sơn được hỗ trợ ăn, ở tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kỹ năng giao tiếp, vốn từ tiếng Việt của học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Đối với trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tà Cạ, học sinh chủ yếu là người Khơ Mú và Thái, giao thông khó khăn nên nhà trường vận động các em ở lại bán trú. Do chưa có nhà bán trú nên học sinh vẫn phải ở trong các nhà tạm do giáo viên và phụ huynh dựng lên. Hiện 71 học sinh của cấp 1 vẫn đang ở ghép với học sinh cấp 2, cô giáo Cụt Thị Thủy - Hiệu phó trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tà Cạ cho biết.
Nơi chắp cánh ước mơ
Trước đây, chỉ có học sinh ở các trường PTDTNT huyện mới được ăn, ở sinh hoạt tại trường, còn các cấp học đóng chân ở các xã đều không có mô hình bán trú, gây khó khăn không nhỏ đến việc dạy và học. Đến nay, nhiều điểm trường ở vùng miền núi Nghệ An đã thành lập mô hình bán trú, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Không có điện, không có nguồn nước, không có nhà vệ sinh...
Qua 4 năm thực hiện, mô hình bán trú ở huyện Kỳ Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực và mở ra triển vọng nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Mô hình này còn tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, vừa chăm lo sức khỏe, tâm lý, phát triển toàn diện của học sinh. Điều đặc biệt, ngoài những giờ học chính khóa, học sinh được giải trí bằng nhiều hình thức như: Tập thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất... Ngoài những kiến thức tiếp thu qua bài học trên lớp, qua các hoạt động này, học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô.
Chính những hoạt động giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa ở trường bán trú không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Đây cũng là nền tảng căn bản để các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững.
Chia sẻ về mô hình bán trú ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: “Tổ chức mô hình trường học bán trú là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dạy Tin học và tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình này”.