Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand Việt Nam - New Zealand hướng tới mục tiêu thương mại song phương 2 tỷ USD |
Chiều 15/11, tại Hà Nội, diễn ra sự kiện Việt Nam – New Zealand – Đối tác chiến lược trong Nông nghiệp (AgriConnectioNZ). Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - An ninh sinh học - Thông tin đất đai và Các vấn đề nông thôn New Zealand tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại Việt Nam.
Đối tác “trời sinh” trong lĩnh vực nông nghiệp
Phát biểu tại sự kiện Thủ tướng New Zealand – bà Jacinda Ardern - cho biết, New Zealand và Việt Nam là đối tác “trời sinh” trong lĩnh vực nông nghiệp vì cả hai quốc gia đều đang điều hướng một thế giới thay đổi nhanh chóng với thách thức lớn và cơ hội thậm chí còn lớn hơn. Với cam kết chung về thương mại tự do và cởi mở mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cùng danh tiếng trong việc sản xuất và xuất khẩu lương thực đáng tin cậy, cả hai quốc gia tự hào là nhà cung cấp lương thực cho toàn thế giới.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại sự kiện |
Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đặt ra cho hệ thống lương thực và an ninh lương thực toàn cầu là vô cùng to lớn. Từ biến đổi khí hậu, đến đại dịch và xung đột quốc tế, nhu cầu hợp tác giữa các nước xuất khẩu lương thực chưa bao giờ cấp thiết hơn thế.
Quan hệ đối tác chiến lược được Việt Nam và New Zealand ký kết năm 2020 là nền tảng vững chắc để hai nước cùng nhau đối mặt với những thách thức này và cùng hưởng lợi. Mối quan hệ đối tác vì thế còn vượt lên trên cả thương mại, mặc dù lĩnh vực này vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. “Việt Nam và New Zealand đều sở hữu hệ thống sản xuất lương thực hiệu quả. Đây tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm của cả hai nước và là lĩnh vực mà hai quốc gia sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại và hợp tác”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ.
Về phía Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - An ninh sinh học - Thông tin đất đai và Các vấn đề nông thôn New Zealand - ông O'Connor – cho biết, mối quan hệ đối tác và cam kết chung về thương mại mở có thể thực hiện là nhờ vào nỗ lực của rất nhiều cá nhân và tổ chức ở cả hai quốc gia, và đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam và New Zealand. Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 59% trong 5 năm qua, đạt 2,39 tỷ đô la New Zealand vào năm 2022.
Ông O'Connor cũng kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục tăng thông qua việc triển khai cung cấp chứng nhận điện tử cho sản phẩm nông nghiệp được mua bán trao đổi giữa hai nước. Điều này có thể giúp giải phóng chuỗi cung ứng và tăng tốc độ thông quan, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và chính phủ của cả hai bên.
Đảm bảo chất lượng an toàn của các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ nâng cao khả năng phục hồi của nguồn cung lương thực toàn cầu. New Zealand sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thiết lập và vận hành hệ thống Chứng nhận điện tử.
Mở cửa xuất khẩu chanh leo và bưởi Việt Nam sang New Zealand
Tại sự kiện, đã diễn ra lễ ký công bố xuất khẩu chanh xanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand; tăng cường hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam trong ngành trồng trọt và ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận ưu tiên hợp tác giữa TH Truemilk của Việt Nam và Waikato Milking Systems của New Zealand.
Tại buổi lễ, đã diễn ra lễ ký công bố xuất khẩu chanh xanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand; tăng cường hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam trong ngành trồng trọt. |
“Mối quan hệ đối tác của chúng ta đang tiếp tục đơm hoa kết trái”, ông O'Connor chia sẻ và cho biết, đây là một thành tựu lớn và tôi tin tưởng rằng đó là bước đệm để hướng tới các cơ hội thương mại tiếp theo giữa hai nước.
Ông O'Connor cũng mong sớm được thấy mặt hàng dâu tây và bí của New Zealand tại Việt Nam, ông O'Connor chia sẻ đồng thời cho biết New Zealand sẽ tiếp tục tài trợ dự án Phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao (VietFruit) nhằm hỗ trợ nông dân trồng cây ăn quả ở Việt Nam phát triển các giống cây cao cấp và tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị cao….
Về việc này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ, người dân New Zealand đặc biệt yêu thích trái cây và các loại cam chanh. Sẽ có rất nhiều người New Zealand vui mừng vì giờ đây họ sẽ có chanh ăn quanh năm khi Việt Nam cung cấp loại quả này vào thời điểm trái mùa ở New Zealand. Tôi cũng mong muốn nhìn thấy các nhà hàng được yêu thích tại New Zealand biến tấu các loại trái cây như bưởi, chôm chôm và thanh long một cách sáng tạo trong thực đơn của họ. “Sự kiện hôm nay đánh dấu một cột mốc lịch sử của mối quan hệ hiệu quả và cùng có lợi này, vì hôm nay là thời điểm chúng ta khởi động quan hệ đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp cho thế kỷ tới”, bà Jacinda Ardern nhấn mạnh.
Như vậy, bưởi và chanh là loại quả thứ tư và thứ năm được xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand, sau xoài, thanh long và chôm chôm. Theo Cục Bảo vệ thực vật, quả chanh các loại: Citrus aurantiifolia, Citrus latifolia, Citrus limon, Citrus limonia và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Newzealand kể từ ngày 15/11/2022. Quả chanh và bưởi phải đáp ứng các yêu cầu về vùng trồng và cơ sở đóng gói được đăng ký mã số với Cục Bảo vệ thực vật và Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho phía Newzealand. Vườn trồng được quản lý dịch hại. Trái cây được rửa và chải sau khi thu hoạch….
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển - cho rằng, hợp tác về nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của New Zealand dành cho ngành nông nghiệp, tập trung vào chuyển giao kiến thức và công nghệ ở các lĩnh vực: Phát triển thị trường nông sản; giống cây trồng chất lượng cao; kiểm dịch động vật, thực vật; an toàn đập và vận hành hồ chứa; an toàn thực phẩm; giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi…
Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản hai nước năm 2021 đạt gần 550 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41% tổng kim ngạch thương mại song phương. Hai bên đã ký thoả thuận về tạo thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử vào tháng 7/2020. Hiện tại, các nhóm công tác của hai nước đang tiến hành các bước triển khai thử nghiệm hệ thống chứng nhận điện tử. Đồng thời, thúc đẩy các thủ tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản.
Ông Lê Minh Hoan cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand sẽ hợp tác xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu.
Quảng bá sản phẩm kiwi tại thị trường Việt Nam |
Tại sự kiện, Zespri – nhà sản xuất trái kiwi đến từ New Zealand – một trong những doanh nghiệp New Zealand - đã giới thiệu sản phẩm này đến người tiêu dùng Việt Nam.
Tại Việt Nam, quả kiwi vẫn còn tương đối mới với người Việt và dinh dưỡng trong quả cũng là phần thông tin mà người Việt chưa được biết đến nhiều. Trong các năm trước, Zespri cũng đã truyền thông đến người tiêu dùng về hàm lượng vitamin C và chất xơ vượt trội có trong cả kiwi xanh và kiwi vàng.
Trong năm 2022, Zespri sẽ có chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về những lợi ích của quả kiwi đến với người tiêu dùng Việt Nam cũng như mang tên thương hiệu đến gần hơn với người Việt.
Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trái kiwi tại thị trường Việt Nam, ông Nathan Flowerday - Giám đốc Zespri – chia sẻ: “Chúng tôi rất hân hạnh được tham dự sự kiện đặc biệt này để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm với nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, để giúp họ nâng cao giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thanh long. Được công nhận là một trong 20 “Thương hiệu vàng” năm 2021 và những thành tựu tại thị trường Việt Nam trong 13 năm qua. Zespri tin rằng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp ích cho những doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu, mang sản phẩm quốc gia đến với thị trường thế giới”.