Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Nỗ lực đi chính ngạch Xây dựng thương hiệu sầu riêng Đăk Lăk |
Trái sầu riêng đang đàm phán ở giai đoạn cuối
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục để ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu trái sầu riêng. Hiện nay, tất cả hồ sơ kỹ thuật, cả nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của Nghị định thư này đã được phía Việt Nam hoàn tất và gửi đi Trung Quốc, chỉ chờ phía bạn thống nhất, hoàn thành thủ tục và đề xuất ngày, giờ để 2 bên ký kết Nghị định thư.
Sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc |
Nghị định thư này có thể được ký kết theo nhiều hình thức, có thể trực tuyến hoặc có thể Trung Quốc ký trước rồi gửi sang Việt Nam để hoàn thiện rồi gửi lại cho phía bạn. Sau khi ký kết, trái sầu riêng có thể chính thức được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. “Trái sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại”, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Để xuất khẩu được trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, các doanh nghiệp, nhà vườn cần đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản, đó là có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.
Đến thời điểm này, những điều kiện cần thiết để có thể xuất khẩu trái sầu riêng đã được hoàn thành như tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, điều quan trọng hiện nay là người dân trồng sầu riêng phải hiểu được cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phổ biến rất kỹ càng những yêu cầu này tới người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật ở các nơi khi có hàng hóa đến cần kiểm tra xuất xứ của hàng hóa có đúng mã số hay không, bao bì nhãn mác có đúng quy định hay không và có đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật hay không. Quá trình này sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh chóng nhất, thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất để doanh nghiệp có thể sớm đưa hàng sang Trung Quốc.
Chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xuất khẩu
Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, đối với trái sầu riêng, không chỉ dừng ở việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho biết, bà và các cộng sự trong doanh nghiệp đã sang Thái Lan để học kinh nghiệp xuất khẩu trái cây, trong đó có trái sầu riêng. “Ở thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng Thái Lan được bán cao hơn Việt Nam gấp 1/3 lần. Không phải sầu riêng Thái Lan ngon hơn Việt Nam mà bởi vì họ có thương hiệu, chất lượng đồng đều”, bà Ngô Tương Vy chia sẻ.
Bà Ngô Tường Vy đánh giá, Việt Nam có nhiều điểm hơn hẳn Thái Lan về điều kiện địa lý, tuy nhiên một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở họ là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Học hỏi kinh nghiệm từ chính các doanh nghiệp bạn, đây cũng là cách để Chánh Thu có thể xây dựng con đường cho doanh nghiệp mình tại thị trường Trung Quốc nói chung và trái sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh được với sầu Thái Lan tại Trung Quốc.
Khi Nghị định thư được chính thức thông qua, sầu riêng Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để trái sầu riêng Việt Nam đi xa hơn, sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - chia sẻ, trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Bên cạnh đó, Thái Lan đã đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường. Các trường đại học hay viện nghiên cứu của Thái Lan đều đặt ra những chiến lược trong tương lai xa. Khâu marketing cũng được đầu tư tài chính để trở nên chuyên nghiệp hơn và những chương trình marketing của Thái Lan đã mang lại hiệu quả cao.
Thị trường rau quả đan xen cơ hội và thách thức. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, song song với việc chuẩn hóa nông sản, cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh. Tất cả phải đi vào thực chất và giúp bà con nông dân yên tâm canh tác trên chính thửa ruộng của mình.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%. Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc chủ yếu từ Thái Lan. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch.