Nắng nóng kéo dài gây ra hàng chục vụ cháy rừng tại miền Trung |
Xáo trộn đời sống sinh hoạt, thường trực “nỗi lo” cháy rừng
Nền nhiệt duy trì trung bình từ 34 – 36 độ, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Lê Thị Giao Thủy (34 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng) cho biết, vợ chồng chị và 1 con gái nhỏ ở trong một phòng trọ chưa đến 12 m2, lợp tôn. Thời tiết nắng nóng nên sau một ngày đi làm vất vả về phòng trọ nhưng quá nóng, gia đình chị lại lục đục kéo nhau ra ngoài. “Tối nào cũng phải 9, 10 giờ đêm mới về phòng trọ. Vậy mà vẫn còn nóng, 3 người nằm 3 góc bật 3 cái quạt hết công suất mà cả đêm vẫn nóng không ngủ được. Mình người lớn còn chịu được, con nít không ngủ được thấy tội quá”, chị Thủy nói và cho biết thêm, cũng do nắng nóng, các thiết bị điện của gia định chị hoạt động hết công suất, tiền điện cũng theo đó mà tăng đột biến.
Trẻ em, người già là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất của thời tiết cực đoan. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, trong mỗi đợt cao điểm nắng nóng, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện tăng đột biến, đến 20 – 40%. Trong đó, phần nhiều là trẻ em dưới 5 tuổi, với bệnh lí chủ yếu là viêm đường hô hấp và tiêu hóa. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các tỉnh thành khác của khu vực miền Trung.
Nắng nóng kéo dài còn gây ra nguy cơ cháy rừng cao. Chỉ tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, cả khu vực miền Trung đã xảy ra gần 50 vụ cháy rừng lớn nhỏ, gồm rừng tư nhân trồng và rừng tự nhiên, nguyên nhân đều xuất phát do nắng nóng, thời tiết hanh khô.
Các vụ cháy rừng diễn ra liên tiếp đang là nỗi lo chung của cả nước khi liên tục đe doạ sự an toàn của hệ thống lưới điện, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc – Nam.
Đỉnh điểm là 2 vụ cháy lớn diễn ra vào ngày 28/6 tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhiều lúc đám cháy đã bao trùm lưới điện, đe dọa trực tiếp sự an toàn của đường dây 500 kV Bắc Nam.
Mới đây nhất là các đám cháy liên tiếp xảy ra trong ngày 20/7 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Vị trí các đám cháy này gần khu vực trụ điện đường dây 220 kV A Lưới – Huế và đường dây 500 Kv Đà Nẵng – Dốc Sỏi, gây lo ngại về việc vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện quốc gia.
Vựa rau an toàn lớn nhất nhì Đà Nẵng xơ xác do nắng nóng và nhiễm mặn |
Vựa rau “quay quắt” chờ mưa
Thời tiết khắc nghiệt đã khiến việc gieo trồng rau tại các tỉnh Nam Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp.
Tại TP. Đà Nẵng, nắng nóng khiến nhiều diện tích đất trồng rau bị bỏ hoang do không có nước tưới. Nhiều hộ dân trồng rau đã đầu tư khoan giếng để đủ nước phục vụ tưới tiêu nhưng năng suất rau vẫn rất thấp do nhiệt độ quá cao, cường độ nắng mạnh, kéo dài, đất quá nóng dẫn đến các loại rau màu không thể nảy mầm, phát triển.
Cá biệt, tại vùng rau La Hường (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) – một trong 2 vựa rau an toàn lớn nhất TP. Đà Nẵng tình hình sản xuất còn “trắc trở” hơn do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn, nên dù có đủ nước tưới rau màu vẫn không phát triển được.
Ra vườn trong cái nắng gay gắt lúc giữa trưa, bà Phan Thị Trường (62 tuổi - hội viên HTX rau La Hường) vừa tưới rau, vừa lắc đầu và chia sẻ: Làm cái nghề này cả hai, ba mươi năm, chưa năm nào mà cực như vậy. Mọi năm nắng nửa tháng, một tháng rồi có vài trận mưa, năm nay cả mấy tháng đằng đẵng nắng không có giọt mưa. Gieo rau thì không lên, trồng rau thì chết. Nước không có tưới, phải khoan máy bơm, khoan xong bơm lại nhiễm mặn, rau chết dần.
Nguồn nước nhiễm mặn khiến rau chết dần (các vệt trắng là muối kết tinh khi tưới nguồn nước nhiễm mặn) |
Chỉ vào mấy luống rau đang tưới, bà Trường tiếp lời: "Cực chẳng đã mới phải tưới rau giữa trưa, để đến chiều mực nước sông xuống thấp tưới không kịp. Cả vạt đất có trồng được cái gì đâu. Mấy luống rau lang này là cố giữ nó sống để lấy ngọn mai mốt mình có giống trồng lại, chứ nhìn vàng khè thế này bán buôn gì".
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại tại vùng rau của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Xâm nhập mặn tại sông Thu Bồn khiến nhiều cánh đồng rau ở khu vực này hoang tàn và khô nứt nẻ.
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, do nguồn cung từ các vựa rau trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam giảm nên giá các loại rau xanh như cải các loại, rau dền, rau khoai lang, mùng tơi ….đều dao động ở mức giá 12.000 – 15.000 đồng/bó – mức khá cao so với mọi năm, các loại rau gia vị cũng rơi vào tình trạng khan hiếm tương tự.