Những mặt hàng rau cỏ, hoa quả trang trí, nguyên liệu khô tại các siêu thị Việt khá hạn chế. Phần lớn người tiêu dùng phải mua sắm ở các chợ tạm |
Thời điểm này, lượng người mua sắm tại các siêu thị, chợ lớn, chợ cóc ở Hà Nội đông đúc hơn, đặc biệt những ngày cuối tuần.
Theo khảo sát của PV, nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, trang trí, thực phẩm tại hầu hết các siêu thị giữ mức giá bình ổn. Trong khi đó, tại chợ lớn, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, hàng đã bắt đầu bị đẩy giá lên, đặc biệt là nguyên liệu khô và thực phẩm tươi sống.
Nguyên liệu khô, thực phẩm tươi sống bùng giá
Theo chị Nguyễn Thùy Vân, chủ cửa hàng đồ khô ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhìn chung giá cả hàng hóa dịp gần Tết Nguyên đán năm nay không biến động nhiều. Những mặt hàng công nghiệp như đường trắng, sữa, nước mắm, dầu ăn không tăng giá.
Nguyên nhân theo chủ hàng là giá xăng giảm mạnh, khiến một số thực phẩm công nghiệp giữ nguyên giá. Song, không tuân theo cơ chế thị trường, giá mặt hàng nguyên liệu khô như miến, mộc nhĩ, mì trắng, đỗ, gạo lại tăng đáng kể trong mấy ngày gần đây.
Trong đó, miến có giá cao, tăng từ 50.000 đồng/kg lên tới 60.000 đồng/kg. Đỗ đen, xanh tăng từ 45.000-48.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, những hàng khô được mua nhiều dịp này như mộc nhĩ, nấm, măng khô... tăng khoảng 2-5 giá so với thời điểm trước. Chị Vân cho biết, nhiều khả năng đến thời điểm 27-29 Âm lịch, những mặt hàng này sẽ còn tăng.
Song cũng theo chủ hàng này, sức mua năm nay rất chậm. Người dân không hào hứng khi mua sắm. Đặc biệt những hàng hóa như nước mắm, dầu ăn, dầu... bán rất chậm mặc dù giá giữ nguyên.
Bà Lưu Thị Nhan, trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nay bà đi sắm Tết trước nửa tháng để tránh tình trạng tiểu thương đẩy giá hàng. Song, những mặt hàng đặc biệt phục vụ Tết như nguyên liệu gói bánh, nguyên liệu khô chế biến thức ăn đã tăng giá 1,5-2 lần.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, vào thời điểm này mọi năm, giá cả hàng hóa nhiều biến động. Trong khi hàng Tết đang chồng chất trong siêu thị, thậm chí, người tiêu dùng có thể chen lấn, vướng vào hàng hóa thì đồ gia vị, thực phẩm tươi, rau sạch lại rất ít.
Theo ông Phú, siêu thị Việt chỉ mạnh về hàng công nghiệp tiêu dùng như bia, rượu, thuốc lá, bánh kẹo... bởi nhiều đơn vị sản xuất, phân phối, kéo sức cạnh tranh cao. Trong khi đó, mặt hàng thiết yếu phục vụ đặc biệt dịp Tết lại rất hạn chế. Người dân phải ra ngoài chợ cóc, chợ tạm để mua.
"Có thể nói, từ ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) đến hết ngày 29, các mặt hàng đầu vị bán tại các chợ như thịt thăn, chuối xanh, hoa quả, chân giò, gà ta, hoa quả, thủy hải sản tươi sống chắc chắn sẽ bùng lên, tăng 20-30% chứ không chỉ biến động là 3%. Bởi những sản phẩm này, siêu thị hầu như làm gì có nhiều!", ông Phú cho hay.
20% người giàu Việt sang Thái Lan sắm Tết
Chia sẻ về sức mua dịp Tết Nguyên đán, ông Phú cho biết, hiện nay có 2 phân khúc người tiêu dùng.
Trong đó, 20% người có thu nhập cao (người giàu) đang sang Thái Lan mua sắm Tết. 80% còn lại là người thu nhập trung bình, thấp, người nghèo đang đổ về các chợ cóc, chợ tạm. Song nghịch lý là hàng hóa tại các điểm này rất nhiều rủi ro như giá cả tăng đột biến, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo...
Trong khi đó, siêu thị có thể được coi là nơi đảm bảo chất lượng hàng hóa hơn và vấn đề bình ổn giá làm tốt hơn. Trong khi ở nước ngoài, hàng hóa siêu thị rẻ hơn ngoài chợ thì Việt Nam thì ngược lại. Chỉ những người có mức lương từ 12 triệu đồng/tháng trở lên mới dám vào siêu thị thường xuyên. Nhưng số lượng có mức thu nhập này tại Việt Nam là rất ít.
"Để đẩy mạnh thị trường hàng nội địa và tăng sức mua, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh cả vào chợ, chứ không chỉ chú trọng mảng siêu thị", ông Phú cho hay.
Cũng theo ông Phú, quan trọng nhất trong cung ứng thị trường Tết vẫn là vấn đề đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và việc mua bán thuận tiện như thế nào. Song, siêu thị Việt Nam vẫn chưa làm tốt, bởi mức giá chênh lệch còn khá lớn, thậm chí chất lượng chưa đảm bảo.
Ông dẫn chứng, 1 chai dầu ăn 5 lít của Neptune tại một siêu thị mới khai trương trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chênh tới 20.000 đồng so với một siêu thị khác trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội).
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Phú phải có lực lượng và tổ chức phân phối hàng hóa. Khi hàng hóa có nhiều, đẩy sức cạnh tranh cao hơn thì tiểu thương không còn là người quyết định giá cả hàng hóa nữa mà là thị trường.
Trước đó, để thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thủ đô phục vụ người dân trong dịp Tết Bính Thân 2016, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm ứng vốn trên 236 tỷ đồng cho 10 doanh nghiệp. 7 nhóm hàng thiết yếu bao gồm: gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn và rau củ tươi sẽ được chuẩn bị trước để bình ổn thị trường. |