Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất |
Lợi ích kép
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng- IPC1, mô hình trình diễn sản xuất máy trộn đảo bê tông triển khai từ đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư trên 39 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2015, IPC1 hỗ trợ 323,8 triệu đồng cho doanh nhiệp đầu tư máy lốc tôn và máy ép thủy lực trong dây chuyền sản xuất máy trộn đảo bê tông liên hoàn.
Ông Lê Huy Điệp- Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quyết Tiến - cho biết: Dây chuyền sản xuất tuy có mức đầu tư khá lớn nhưng thiết bị hiện đại, công năng sử dụng tốt. Với đà sản xuất duy trì ổn định và hiệu quả, sau hơn 6 năm hoạt động, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn. Lợi nhuận bình quân mỗi năm trên 10 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án còn giải quyết 200 việc làm cho lao động tham gia sản xuất với mức thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ của khuyến công không lớn, nhưng phần nào giúp và tạo động lực lớn động viên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trần Thanh Minh - Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định: Thời gian qua, Nam Định nhận được nhiều hỗ trợ từ Chương trình khuyến công quốc gia như: Chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh, từng bước phát triển. |
Cần nhân rộng
Ông Trần Thanh Minh - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định - cho hay: Giao Thủy là huyện có nghề sản xuất cơ khí và các làng nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều phát triển rất nhanh theo xu hướng thị trường. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh tốt, mô hình trình diễn sản xuất máy trộn đảo bê tông liên hoàn là một điển hình trong việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Để mô hình được nhân rộng, ông Hoàng Chính Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương - đề nghị: Doanh nghiệp cần hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao phương thức quản lý, bảo đảm an toàn lao động, bố trí dây chuyền sản xuất sao cho hiện đại, văn minh. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ở các nơi đến học tập và hợp tác sản xuất - kinh doanh sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, IPC 1 tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn thiện tài liệu, quy trình sản xuất, giới thiệu rộng rãi về hiệu quả của mô hình. Các cấp, ngành địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ, nhất là mặt bằng sản xuất để doanh nghiệp tiếp tục phát triển và mô hình ngày càng được nhân rộng.