Trước khi thành sinh viên Trường Ðại học Thể dục, thể thao Đà Nẵng, Cơ Lâu Lăng từng đi bộ đội 2 năm. Được sống và rèn luyện trong môi trường quân đội nên Cơ Lâu Lăng có sức khỏe, sự dẻo dai, hoạt bát. Cũng bởi vì có chất lính trong người, cùng với năng khiếu thể thao nên sau khi xuất ngũ Cơ Lâu Lăng đã thi đỗ vào khoa Thể chất của Trường Đại học Thể dục, thể thao Đà Nẵng. Cơ Lâu Lăng luôn là sinh viên khá, giỏi của trường, với nhiều thành tích nổi bật. Với Cơ Lâu Lăng được trở thành sinh viên đại học là cánh cửa rộng mở để em trau dồi kiến thức, xóa bỏ khoảng cách về nhận thức của đồng bào dân tộc miền núi với miền xuôi. Đặc biệt, em sẽ có cơ hội được khám phá, học hỏi, trải nghiệm qua nhiều chuyến đi đến mọi vùng miền của đất nước. Có lẽ, với suy nghĩ này mà dù buổi chuyện trò ngắn ngủi, nhưng Cơ Lâu Lăng vẫn cho chúng tôi thấy em là người có chiều sâu với nhiều suy nghĩ, trăn trở sâu sắc. “Sau khi ra trường, em muốn trở về quê nhà, có thể đi dạy học hoặc đi làm trong ngành văn hóa, thể thao của địa phương. Em muốn được cống hiến những kiến thức đã học, cũng như sức trẻ vào công cuộc xây dựng, phát triển bản làng, quê hương. Đặc biệt là động viên, khuyến khích bà con giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình” – Cơ Lâu Lăng tâm sự.
Mong muốn của Cơ Lâu Lăng dẫu rất giản dị, nhưng với chúng tôi ẩn sâu trong đó cũng chính là mong muốn của đồng bào dân tộc Cơ Tu. đó là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình mãi trường tồn với thời gian. Vội vàng chia tay chúng tôi cho kịp giờ tuyên dương Cơ Lâu Lăng nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tràn đầy hứng khởi, đong đầy ước mơ dựng xây cuộc sống tươi đẹp cho quê hương. “Mong hẹn gặp các chị trên quê hương em, để em có thể giới thiệu nhiều nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu đến các anh, chị nhà báo Hà Nội” – Cơ Lâu Lăng nói.