Tháng 11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg. Ngày 26/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/ NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo đó, chương trình sẽ đầu tư cấp điện cho 17 xã trắng chưa có điện, 9.890 thôn, buôn, bản chưa có điện và cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình được thực hiện trên địa bàn 48 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Tổng vốn đầu tư cho chương trình là 30.186 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA cấp phát cho chương trình là 21.508 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư), 15% tổng vốn đầu tư còn lại do UBND các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu xếp.
Điện lực Đắk Nông nối điện trong sự phấn khởi của các hộ dân ở Đắk R’Măng |
Thực hiện được mục tiêu chương trình, năm 2014, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN đầu tư đưa điện về trung tâm của 13 xã thuộc tỉnh Điện Biên, 11 xã thuộc tỉnh Lai Châu và 320 thôn, ấp của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Tổng vốn đầu tư cấp điện cho các xã nêu trên khoảng 350 tỷ đồng.
Năm 2015 và năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối và phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đưa điện về 16 xã và các thôn bản chưa có điện tại các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Quảng Nam.
Năm 2016, tiếp tục phân bổ cho 26 tỉnh với tổng vốn đầu tư là 520 tỷ đồng, trong đó dự án cấp điện nông thôn của tỉnh Đăk Lắk được phân bổ 20 tỷ đồng; Bổ trí vốn ngân sách Trung ương cấp cho UBND tỉnh Quảng Ninh và EVN thực hiện đầu tư cấp điện cho các đảo: Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và đảo Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam 650 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương trung hạn là 4.150 tỷ đồng để thực hiện đầu tư từ năm 2017 đến năm 2020 trên địa bàn 45 tỉnh thuộc chương trình. Do nguồn vốn ngân sách Trung ương trung hạn trong giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế, mới chỉ bố trí cấp phát được khoảng 19,2% so với nhu cầu của chương trình, vì vậy để triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra, Chính phủ đã huy động vốn ODA bổ sung cho nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án thành phần của chương trình.
Tháng 3/2018, Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU – Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Bộ Phát triển và hợp tác kinh tế CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ trị giá 108 triệu Euro (sử dụng vốn ODA không hoàn lại) đã chính thức được khởi động. Chương trình sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho 1.200.000 hộ dân như nội dung đặt ra trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020.
Trước đó, Liên minh châu Âu cũng đã thực hiện Chương trình định hướng hỗ trợ đa biên cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 nhằm phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt là Hiệp định tài chính hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh; hai tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vỹ; hai tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, Quảng Ninh và đảo Nhơn Châu, Bình Định. Dự kiến khi kết thúc chương trình khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện, với khoảng 60.000 hộ dân có điện, cấp điện cho 1 huyện đảo và 2 xã đảo.
Đến nay, cùng với làng Mông Đắk R’Măng, nhiều xã trắng chưa có điện, hàng trăm thôn, buôn bao năm leo lét ánh đèn dầu nay đã có điện lưới quốc gia để thắp sáng. Điện về, không chỉ giúp đồng bào nâng cao chất lượng sống mà còn góp phấn phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập; từng bước tạo diện mạo mới, xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh.