Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu
Theo Bộ Công Thương, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%; sắt thép các loại tăng 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19%; hàng dệt và may mặc tăng 4,3%; giầy dép các loại tăng 10,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%...
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai, Thị xã Quảng Yên). Ảnh: Thu Trang |
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,6%).
Với kết quả trên, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…
TS Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất. Mức tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều tăng trưởng GDP trong 5 năm gần đây.
Mở rộng xuất khẩu và thích nghi với những quy định mới
Về phía Cục Công nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh nêu giải pháp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. “Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới”- ông Phạm Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết, các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo luôn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia. Riêng tổng 4 loại mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong 6 tháng năm 2024...
Tuy nhiên, ông Hoà lưu ý, doanh nghiệp cũng cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như: Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ…
Đơn cử như với ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến ngành sẽ đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024. Khả quan là vậy, nhưng các doanh nghiệp da giày đang gặp một số thách thức khi chính phủ nước xuất khẩu đưa ra những quy định là rào cản cho xuất khẩu da giày Việt Nam thâm nhập vào.
Chẳng hạn, tại Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giấy chứng nhận mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, quá trình thực hiện yêu cầu này rất vướng mắc. Mặt khác, ngành da giày đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đột biến, như thị trường Mexico. Ngoài ra, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên, phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ ở nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, trong đó có đạo luật về chống phá rừng, đạo luật liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng. Sắp tới là một loạt đạo luật liên quan tới sinh thái hay hộ chiếu số đối với sản phẩm mà phía EU sẽ áp dụng, đánh thuế đối với phát thải carbon những mặt hàng xuất khẩu vào EU…
Tương tự với ngành công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, ngoài cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước những thách thức từ yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt là yêu cầu về vật liệu đầu vào phải được tái chế. Trong khi nhựa, thép tái chế ở Việt Nam kém cạnh tranh so với Trung Quốc, vì không thu hồi được nhựa từ dân sinh và công nghiệp để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp tái chế nhựa.
“Hiệp hội mong muốn các Thương vụ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại những thị trường phát triển, nước đang phát triển hoặc tương đồng trình độ Việt Nam đã làm tốt vấn đề này để xuất khẩu”, bà Bình kiến nghị.
Bà Bình cho biết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khả năng sản xuất đa dạng các mặt hàng để xuất khẩu, như: Linh kiện xe máy, xe đạp; các sản phẩm liên quan đến tủ điện, hệ thống tự động hóa; nhựa; cao su; các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa, cao su; quạt gió, tua bin gió... Do đó, các doanh nghiệp rất cần thương vụ hỗ trợ thông tin, kết nối để mở rộng thị trường.
Giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo
Thời gian qua có nhiều yếu tố giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí đầu tàu dẫn dắt trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, các theo chuyên gia kinh tế, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dù chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu song ngành này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh;...
Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới). Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.
Vì vậy, theo Bộ Công Thương cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương nêu rõ, tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hoá lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo lên khoảng 90%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 70%.