Triển lãm VIETNAM OCOPEX 2024: Đòn bẩy để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường quốc tế Thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh |
Cần thiết áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Trao đổi tại Hội thảo Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và Thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay do Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) phối hợp với Công ty Cổ phần Đại An tổ chức tại Khu công nghiệp Lai Cách, tỉnh Hải Dương vào ngày 7/8, các đại biểu đánh giá việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu và vươn tầm quốc tế.
Ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch VIPFA, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Lê Tiên) |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch VIPFA, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hội thảo nằm trong chương trình kế hoạch đào tạo của VIPFA từ nay đến cuối năm 2024, với nhiều chủ để rất thiết thực ở cả cấp vi mô và vĩ mô, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin mới nhất về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực như: Thuế, kế toán, hải quan, tài chính và quản trị doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… cách triển khai các cơ chế, chính sách này đến cả các vấn đề vĩ mô như xu hướng phát triển xanh, các quy định yêu cầu về chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống hiện có sang các khu công nghiệp sinh thái và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, kế toán đã nhấn mạnh đến việc cần thiết phải phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện đúng các quy định của luật pháp, chính sách hiện hành liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các chính sách liên quan đến hoạt động tài chính, kế toán nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Kế toán trưởng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời là Giám đốc Đào tạo Trung tâm Đào tạo Audicare Việt Nam (ACV) cho biết: IFRS là bộ chuẩn mực kế toán do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) phát triển, nhằm cung cấp một ngôn ngữ chung toàn cầu cho các vấn đề kinh doanh.
"IFRS nhằm mục đích làm cho các tài khoản của công ty trở nên dễ hiểu và có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế, tạo điều kiện cho đầu tư và thương mại xuyên biên giới" - bà Nguyễn Thị Thuỷ thông tin.
Hiện IFRS được sử dụng ở hơn 140 quốc gia, bao gồm cả Liên minh châu Âu và được yêu cầu đối với tất cả các công ty niêm yết tại các khu vực pháp lý đó.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Giám đốc Đào tạo Trung tâm Đào tạo Audicare Việt Nam (Ảnh: Lê Tiên) |
Áp dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Về lợi ích của IFRS, bà Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, IFRS giúp nâng cao khả năng so sánh của báo cáo tài chính xuyên biên giới quốc tế. Đồng thời, cải thiện tính minh bạch và giảm sự bất cân xứng thông tin giữa công ty và nhà đầu tư. Tăng niềm tin của nhà đầu tư và có khả năng giảm chi phí vốn. Hợp lý hóa quy trình báo cáo cho các công ty đa quốc gia bằng cách cung cấp một bộ tiêu chuẩn duy nhất, từ đó mở ra những cơ hội, gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước tham gia hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp.
"Đặc biệt, áp dụng IFRS cũng giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới" - bà Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định.
Trong khi đó, trình bày tham luận với chủ đề “Thực tiễn thanh kiểm tra thuế tại Việt Nam hiện nay” ông Nguyễn Chí Dũng – Giám đốc Thuế Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi làm thế nào để “thoát” ra khỏi cảnh báo hoá đơn có rủi ro của cơ quan thuế?. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị mất niềm tin với khách hàng, đối tác khi bị cảnh báo hoá đơn có rủi ro. Doanh nghiệp cũng không biết cơ quan thuế đánh giá rủi ro như thế nào để thoát khỏi ngưỡng chấm điểm rủi ro đó?.
Từ những thắc mắc trên, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Để chấm dứt tình trạng bị cơ quan thuế cảnh báo hoá đơn có rủi ro, giải pháp quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện đó là cần nâng cao quy trình nội bộ, tuân thủ pháp luật về thuế và thường xuyên cập nhật những chính sách thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể sử dụng các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp, nếu tất cả những yếu tố đó được thực hiện tốt thì doanh nghiệp không sợ bị cơ quan thuế đánh giá rủi ro cao.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh: Lê Tiên) |
Đồng tình với quan điểm cần sử dụng đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp, bà Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng: Rất nhiều doanh nghiệp lớn vẫn sử dụng các dịch vụ tư vấn về thuế chuyên nghiệp. Đây là một giải pháp tốt, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế nhưng lại mong muốn đảm bảo tuân thủ chính sách hiệu quả. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, các tập đoàn đa quốc gia có tính tuân thủ chính sách thuế rất cao và luôn đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu. Muốn làm được điều đó thì viêc sử dụng đơn vị tư vấn thuế là giải pháp hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian để tập trung vào quản trị và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Tường Thị Quỳnh Hương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại An cho biết: Sau hơn 20 năm hoạt động và phát triển, đến nay các Khu công nghiệp Đại An đã thu hút được trên 100 dự án đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giải quyết ổn định việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Đặc biệt, hướng đến sự phát triển bền vững và hợp tác ngày càng hiệu quả hơn với đối tác trong và ngoài nước, hiện Công ty Cổ phần Đại An cũng hướng đến áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, nhằm tăng sự minh bạch và nâng tầm hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.