Theo đó, mức giảm trên có được là nhờ sự sụt giảm lượng phát thải khí nhà kính của ngành điện khoảng 8% và ngành xây dựng khoảng 4% khi các ngành này giảm sử dụng than đá làm nhiên liệu.
Trong đó, theo Bloomberg, vào năm 2023 than đá chỉ tạo ra 17% năng lượng của Mỹ trong năm ngoái - mức thấp kỷ lục. Ngoài ra, tình hình thời tiết mùa Đông ôn hòa cũng làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu và dẫn đến giảm lượng khí thải từ các tòa nhà.
Tuy nhiên, giao thông vận tải, lĩnh vực phát thải cao nhất tại Mỹ, lại ghi nhận mức tăng 1,6% do tiêu thụ nhiên liệu máy bay tăng trở lại khi nhiều người đi du lịch hơn sau đại dịch Covid19. Khí thải công nghiệp cũng tăng 1%.
Lượng khí thải nhà kính của Mỹ giảm lần đầu tiên sau 2 năm |
Theo các nhà phân tích, nhìn chung lượng khí thải của Mỹ trong năm ngoái thấp hơn 17,5% so với mức ghi nhận vào năm 2005, nhưng Washington vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm 50% lượng khí thải so với mức năm 2005.
“Mặc dù các Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng của Mỹ có thể giúp tăng cường quá trình thu giữ carbon bằng các chính sách như tín dụng thuế sản xuất xe điện và hydro, song còn quá sớm để xác định liệu các đạo luật này có mang lại tác động như dự kiến hay không”, Rhodium Group chỉ ra.
Theo thống kê, ngành sản xuất công nghiệp phải chịu trách nhiệm một phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và đang chịu áp lực nặng nề trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Riêng ngành công nghiệp trong năm 2022 thải ra 6,3 tỷ tấn CO2, chiếm 12,7% lượng khí thải toàn cầu.
Báo cáo của Ngân sách carbon toàn cầu được công bố tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính giảm ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhưng lại gia tăng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, cũng là những quốc gia có lượng phát thải lớn. Ở Ấn Độ, lượng khí thải bình quân đầu người thấp hơn đáng kể so EU nhưng lượng khí thải tính chung vẫn đang tăng.
Trên toàn cầu, ngành công nghiệp đang phát thải lượng CO2 rất lớn. Khí thải từ than đá, dầu mỏ và khí đốt đều tăng, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển kinh tế mạnh mẽ. Do nhu cầu điện tăng nhanh hơn, công suất năng lượng tái tạo dẫn đến nhiên liệu hóa thạch phải bù lấp sự thiếu hụt này. Lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nói trên đang đẩy thế giới ngày càng xa hơn mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc cho hay, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C.
Tuy nhiên, thực tế là lượng khí thải đã tăng cao hơn trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra giai đoạn chững lại ngắn ngủi trong xu hướng đó, nhưng lượng khí thải hiện đã tăng trở lại tới mức cao hơn 1,4% so trước đại dịch Covid-19.