Ca khúc "Em mần du xứ Nghệ" của "hiện tượng mạng" A Páo đang trở thành tâm điểm dư luận mấy ngày qua khi bị tố đã sử dụng lời thơ của người khác.
Trước đó, A Páo đã đăng tải lên mạng xã hội một đoạn clip với tựa đề "Khu mấn quê tôi, tuyệt phẩm mới của A Páo". Sau đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích bài hát có ca từ dung tục, mang nghĩa phản cảm, xúc phạm văn hóa xứ Nghệ.
Trước sự phẫn nộ của cộng đồng mạng, A Páo đã đổi tên bài hát thành "Em làm du xứ Nghệ", phần lời có từ "khu mấn" cũng được sửa thành "nhút mặn chua cà" (những đặc sản dân dã xứ Nghệ - PV).
Tuy nhiên, sau khi bài hát với ca từ đã sửa đổi được A Páo đăng tải, nhiều khán giả lại chỉ ra rằng bài hát này có nhiều nét tương đồng với bài thơ "Em về mần du xứ Nghệ" của nhà thơ Phan Quang Phóng được đăng tải từ năm 2016.
Fanpage Nghệ An với 3 triệu người theo dõi đăng bài viết cho rằng nội dung ca khúc của A Páo có nét tương đồng với bài thơ đã đăng 8 năm trước. Ảnh chụp màn hình |
Để rộng đường dư luận, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Phan Quang Phóng - tác giả bài thơ "Về mần du xứ Nghệ".
Phóng viên (PV): Những ngày qua dư luận xôn xao ca khúc "Em mần du xứ Nghệ" (tựa đề ban đầu là Khu mấn quê tôi) của A Páo có một phần lời giống với bài thơ "Về mần du xứ Nghệ" của anh. Cảm xúc và quan điểm của anh như thế nào?
Nhà thơ Phan Quang Phóng: Bạn bè tôi nhiều người theo dõi A Páo, nên khi A Páo đăng tải bài hát lên mạng xã hội, nhiều người bạn, kể cả người chưa từng gặp đã gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, qua mạng xã hội. Mọi người so sánh phần ca từ bài hát của A Páo có nhiều câu giống nguyên thơ của tôi, như đoạn: "Em còn nhớ/ Nhớ những ngày đầu/ Theo chân anh về mần du xứ Nghệ/ Răng tiếng quê mình khó học rứa anh ơi/ Răng tiếng quê mình khó học rứa anh ơi".
Thực ra, nhắc tên tôi trong sự việc lùm xùm này, tôi lại khá bình thản và thậm chí thấy vui khi mọi người vẫn còn nhớ thơ của mình sau khoảng 3 - 4 năm tôi tập trung làm kinh tế và khá ít khi đăng thơ lên mạng xã hội. Tôi nghĩ đối với người đã mang tiếng sáng tạo mà đối mặt với nghi án đạo nhái, thật chẳng vui vẻ gì nên tôi rất cảm thông với A Páo.
PV: Anh đã viết bài thơ "Về mần du xứ Nghệ" trong hoàn cảnh nào và đã được in trong tuyển tập thơ nào chưa?
Nhà thơ Phan Quang Phóng: Năm 2007, tôi sang Hàn Quốc làm việc, những năm xa quê hương, tất cả tình yêu, nỗi nhớ, những gì tôi thấy và trải nghiệm nơi quê nhà, đều được gửi gắm hết vào những vần thơ.
Đến nay tôi đã có khoảng 100 bài thơ, mọi người đọc thơ của tôi sẽ thấy rõ tôi không chú trọng trau chuốt ngôn từ mà thiên về cảm xúc bình dị.
Bài thơ "Về mần du xứ Nghệ" tôi viết từ khoảng tháng 3/2015, sau đó đăng lên mạng xã hội. Trước đó, tôi có quen một người chị quê Nam Định, lấy chồng, về sinh sống ở Nghệ An, sau đó chồng chị mất sớm nên đoạn cuối bài mới có câu: "Nếu lại được thêm một lần bước đi/ Em theo anh về miền Trung xứ Nghệ/ Về mần con du của cha, của mệ/ Mần vợ hiền anh nựa, được không anh?!".
Tôi viết những câu đó có lẽ nhiều người không hiểu ý nghĩa thực sự là gì đâu. Vì chị ấy không muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân lên, nên khi đó tôi cũng không muốn chia sẻ rộng rãi.
Thời điểm đó, không riêng gì bài này mà các bài thơ về quê hương của tôi cũng được nhiều người in ra để cầm tay đọc. Còn để in thành một tuyển tập thơ riêng của mình thì tôi chưa làm.
Nhà thơ Phan Quang Phóng. Ảnh: NVCC |
PV: Có cả một "kho" thơ như thế, tại sao anh không gửi đăng báo, tạp chí hay in tập thơ để khẳng định quyền sở hữu của mình mà lại đăng trên blog và các mạng xã hội khác để mọi người có thể đọc tự do?
Nhà thơ Phan Quang Phóng: Tôi viết theo dòng cảm xúc, tôi cứ viết và đăng lên mạng xã hội. Sau khi đăng lên được mọi người ủng hộ, chia sẻ nhiều, tôi thấy rất vui. Nhưng khi đó không nghĩ là mình sẽ đăng báo hay viết sách đâu. Vì tôi là nhà thơ "tay ngang" mà, không phải viết thơ để kiếm tiền.
Sau đó, có một số người bạn có ngỏ lời tài trợ để in sách, nhưng tôi cảm thấy thơ mình chưa đủ độ "chín". Tôi có ý định vài năm, khi đến độ chín muồi thì sẽ tập hợp chuẩn chỉ để in một tập thơ của riêng mình.
Trên mạng xã hội cũng có nhiều người lấy thơ của tôi, từ nguyên bài hoặc một vài đoạn để đăng. Nhưng bản chất họ đăng để vui, đồng cảm xúc thôi, còn để làm thành một tác phẩm nghệ thuật thì A Páo là người đầu tiên.
PV: Từ khi sự việc xảy ra, A Páo đã liên hệ với anh để trao đổi về vấn đề bản quyền hay chưa? Nếu có, anh có thể chia sẻ thêm về cuộc trao đổi này?
Nhà thơ Phan Quang Phóng: Tôi biết đến A Páo từ khi Páo tham gia một gameshow ca nhạc trên truyền hình. Tôi thấy A Páo luôn tạo thương hiệu cho mình là một ca/nhạc sĩ năng nổ quảng bá văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng có liên hệ hay cuộc nói chuyện nào.
Khi xảy ra sự việc, buổi sáng có người liên hệ nói phía A Páo muốn gặp để trao đổi. Tôi bảo sẽ suy nghĩ dù trong lòng cũng đã muốn gặp và giải quyết một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, đến buổi trưa, tôi lại đọc được một bài A Páo trả lời phỏng vấn rằng: "Vấn đề đạo thơ hay không thì tôi chưa nghe ý kiến nào của anh Phan Quang Phóng, một người anh mà tôi yêu quý phản ánh" và Páo nói, khi đọc hai bản thơ và nhạc sẽ thấy đây là hai phiên bản hoàn toàn khác nhau, "chỉ trùng một số từ"…
Khi ấy, tôi quyết định không cần gặp nữa và lên tiếng trên facebook cá nhân. Người ta có thể giống nhau về cảm xúc, nhưng giữa hai người làm sao giống nhau cách thể hiện cảm xúc ấy đến từng con chữ trong cả mấy câu thơ cho được.
Tôi thấy việc một bài thơ tình cờ đến với một người sáng tác nhạc để tạo nên một ca khúc hay, đó còn là cái duyên. Có những ca khúc phổ thơ đôi khi không lấy trọn bài thơ mà chỉ sử dụng vài câu, có sửa chữa, thêm thắt đôi chút cho đúng khuôn nhạc, hoặc một vài khổ thơ hay chỉ mượn ý. Tuy nhiên, khi đó nhạc sĩ ghi rõ tên nhà thơ bên cạnh tên mình, đó vừa là sự tôn trọng thành quả của người khác vừa là sự tự trọng của người mang danh "nghệ sĩ".
Với bản thân, tôi sẽ rất vui khi ý thơ/ lời thơ của mình được đưa vào một tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất quê hương. Tiếc rằng nhạc phẩm của A Páo khi ra mắt lại chưa thực sự chỉn chu, ảnh hưởng văn hóa vùng miền khiến nhiều khán giả bất bình; cùng với thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính cầu thị khi đối diện với những chỉ trích liên quan khiến tôi khá thất vọng.
Ca khúc của A Páo được đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình được công khai |
PV: Vì sao anh quyết định lên tiếng vào thời điểm này và có phương án gì tiếp theo?
Nhà thơ Phan Quang Phóng: Thực ra, bản thân tôi chỉ muốn cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng, càng không muốn "đạp đổ chén cơm" hay sự phát triển của bất kỳ ai cả, nhất là chính những người đồng hương xứ Nghệ của mình.
Như tôi đã chia sẻ, ban đầu tôi làm thơ về quê hương, đăng lên mạng để chia sẻ cảm xúc với mọi người, chưa in thành tập thơ hay đăng ký tác quyền. Trong khi đó, mấy ngày qua, khi dư luận tố A Páo đạo thơ thì A Páo liên tục đăng bài lên mạng xã hội, trả lời báo chí khẳng định là tự sáng tác, không lấy thơ của ai.
Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu một ngày tôi in thơ thì có trùng với bản quyền A Páo đăng ký hay không? A Páo viết nhạc, mang đi biểu diễn khắp nơi, khi tôi in thơ rồi phía họ có kiện lại tôi không? Hay sau này, tôi đăng thơ của mình lên, mọi người liệu có nghĩ tôi "ăn cắp" lời của A Páo không?
Nếu cần thiết tôi sẽ viết đơn ngăn chặn việc đăng ký tác quyền của phía A Páo. Tôi hy vọng rằng người đã khoác "chiếc áo nhạc sĩ" lên người, hãy tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình.
Đây cũng là sự việc thôi thúc tôi có động lực để sớm xuất bản một tập thơ của riêng mình.
Xin cảm ơn anh!