Trong bối cảnh thương mại xanh ngày một phổ biến và dần được luật hoá tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, công tác xúc tiến thương mại cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới. ---- |
Là thị trường tiên phong khuyến khích và áp dụng các tiêu chuẩn xanh với hàng hoá xuất nhập khẩu, EU đang đẩy nhanh tiến trình luật hoá các tiêu chí này. Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Bản chất quy định xanh của EU nhằm đảm bảo mọi mặt hàng tiêu dùng không kèm theo rủi ro cho môi trường, người dân và chuỗi cung ứng. Điểm nhanh có thể thấy, tần suất ban hành các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy tăng tưởng xanh của EU ngày càng dày đặc. Năm 2014, EU đã có đạo luật báo cáo nội dung phi tài chính, được áp dụng cho các doanh nghiệp lớn. Tháng 11/2021, EU ban hành luật cấm nhập khẩu sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và đề xuất mở rộng luật này vào tháng 2/2022. Theo kết quả khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại thực hiện tháng 11/2021, có khoảng 12 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Ngày 10/11/2022, EU ban hành luật báo cáo bền vững, con số doanh nghiệp phải báo cáo về chuỗi cung ứng ước tính lên đến 50.000 doanh nghiệp. |
Chia sẻ về điều này, ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết: EU đã cam kết về thương mại mở, bền vững, dựa trên quy tắc để ứng phó với các thách thức toàn cầu nhưng đồng thời vẫn duy trì tính cạnh tranh. Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng các liên minh và định hình các giải pháp toàn cầu để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa về tính bền vững. Quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một phần của những giải pháp này và là những ưu tiên hàng đầu hiện nay của EU nhằm đóng góp tốt vào quá trình chuyển đổi xanh. Đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhận định: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có tiềm năng lớn để thúc đẩy thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững. Kết quả của EVFTA rất quan trọng với việc dỡ bỏ rộng rãi gần như hoàn toàn tất cả các loại thuế quan đối với 71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU và 65% của hàng hóa EU vào Việt Nam, lợi thế tiếp cận thị trường là không phải bàn cãi. |
Quan trọng hơn, việc tháo dỡ hoàn toàn thuế quan của hai bên với sự cam kết trong Chương Thương mại và Phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ cho dòng chảy thương mại của các sản phẩm xanh. |
Đồng tình với chia sẻ trên, ông Bartosz Cieleszynski khẳng định: Không nghi ngờ gì về việc Việt Nam có thể thu nạp được nhiều lợi ích liên quan đến ứng dụng và thúc đẩy công nghệ xanh. Mỗi doanh nghiệp trong cộng đồng kinh doanh Việt Nam có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại xanh. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông – lâm – ngư nghiệp. “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt. Đó là lý do tại sao nhu cầu phát triển bền vững cần được đáp ứng đầy đủ trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU”, Bartosz Cieleszynski một lần nữa nhấn mạnh. |
Thương mại nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng đang chuyển động theo xu hướng xanh, buộc các hoạt động bổ trợ như xúc tiến thương mại phải bắt nhịp nếu không muốn bị lạc hậu. Vậy làm thế nào để bắt nhịp trong bối cảnh nhân lực, vật lực của các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước còn hạn chế? Ông Vũ Bá Phú chỉ ra: Hiện đa số doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn nhỏ bé, chưa có thói quen trả phí dịch vụ tư vấn, trong khi đó hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại ở địa phương năng lực đáp ứng dịch vụ cũng khá hạn chế. Điều này xuất phát từ việc cơ cấu tổ chức xúc tiến thương mại ở địa phương chưa thực sự hoàn thiện, chưa được dành nguồn lực tương xứng. |
Đặc biệt trong bối cảnh chưa có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và tự báo cáo, doanh nghiệp được khuyến cáo sử dụng tối đa các loại chứng chỉ đảm bảo độ minh bạch, có hệ thống báo cáo truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì các đơn vị xúc tiến thương mại có thể hỗ trợ tư vấn lựa chọn chứng chỉ phù hợp trong tổng số trên 300 chứng nhận tiêu chuẩn xanh, hữu cơ, phát triển bền vững… Về giải pháp khắc phục hạn chế, đồng thời đưa công tác xúc tiến thương mại bắt nhịp với thương mại xanh, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và toàn xã hội về chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và có chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam là công xưởng xanh của thế giới, đảm bảo biến thách thức thành cơ hội và thế mạnh cạnh tranh. Hình thành hệ thống quy định pháp luật về bộ tiêu chuẩn xanh trong sản xuất, chuỗi cung ứng, thương mại xanh, trong đó ưu tiên kinh tế tuần hoàn và triển khai các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số, phát triển sản phẩm mới, hàng hoá môi trường và tăng cường sản phẩm giúp giảm cacbon. Song song với đó, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi và áp dụng tiêu chuẩn xanh. Nâng cấp mạng lưới xúc tiến thương mại từ trung ương tới địa phương để nâng cao năng lực và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả. Xây dựng chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp doanh nghiệp vững vàng chuyển đổi áp dụng các tiêu chí xanh để xuất khẩu xanh. Yêu cầu xanh trong thương mại ngày một được quy định hoá và thực hiện nghiêm ngặt, như nhận định của ông Vũ Bá Phú: Trong vòng 5 năm tới, nếu hàng hoá Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh thì không thể xuất khẩu vào EU và rất khó quay lại thị trường này. |
Đồng tình với chia sẻ trên, ông Bartosz Cieleszynski khẳng định: Không nghi ngờ gì về việc Việt Nam có thể thu nạp được nhiều lợi ích liên quan đến ứng dụng và thúc đẩy công nghệ xanh. Mỗi doanh nghiệp trong cộng đồng kinh doanh Việt Nam có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại xanh. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông – lâm – ngư nghiệp. “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt. Đó là lý do tại sao nhu cầu phát triển bền vững cần được đáp ứng đầy đủ trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU”, Bartosz Cieleszynski một lần nữa nhấn mạnh. |
Thực hiện: Việt Nga - Phương Cúc |