Với sự “trợ sức” của hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, năm 2022 xuất khẩu nông sản đã có nhiều đột phá, nhất là trong công tác mở mới thị trường. ---- |
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2022 đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu nông sản đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%; xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản 11 tháng năm 2022 đã vượt con số kỷ lục của năm 2021 là 48,6 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 11 tháng qua Việt Nam ngoài giữ vững ở những thị trường truyền thống còn mở thêm được một số thị trường mới cho các mặt hàng nông sản. |
Liên quan vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét: Năm 2022 được xem là một năm thành công nhất của ngành nông sản Việt Nam khi chúng ta mở cửa được thị trường mới cho 7 mặt hàng. |
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nhiều loại nông sản nhất cả nước. Ước tính trong 11 tháng qua các địa phương trong vùng đều ghi nhận kết quả tích cực trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản như lúa gạo, rau củ quả. Điển hình là tỉnh An Giang, theo Sở Công Thương tỉnh này, trong 11 tháng năm 2022 An Giang xuất khẩu được 525,37 nghìn tấn gạo, tương đương 285 triệu USD, tăng 13,08% về lượng và tăng 13,34% về kim ngạch so với cùng kỳ. Với rau quả đông lạnh đạt 73 nghìn tấn, tương đương 31,78 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 11% về kim ngạch so với cùng kỳ. Ngoài An Giang, các địa phương như Bạc Liêu, Cà Ma Đồng Tháp, Tiền Giang… cũng có nhiều bước tiến trong xuất khẩu nông sản bởi những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của vùng là bưởi, thanh long, chuối… đã có thêm thị trường mới bên cạnh những thị trường truyền thống trước đó. |
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, ngành hàng, kết quả xuất khẩu năm 2022 ấn tượng ngoài sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp còn có “trợ lực” từ hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia. Ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: Khi doanh nghiệp muốn làm ăn lớn thì chắc chắn phải thực hiện xúc tiến thương mại mới gặp gỡ được khách hàng, từ đó kết nối tạo cơ hội tiếp cận với người mua. |
Là doanh nghiệp trực tiếp “hưởng lợi” khi được tham gia một số chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì, tổ chức trong năm 2022, bà Quách Yến Phượng - Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (An Giang) - cho biết: Một trong những chương trình nổi bật nhất mà doanh nghiệp này được tham gia là triển lãm công nghiệp quốc tế thực phẩm - Vietnam Foodexpo 2022 vào giữa tháng 11/2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tại Vietnam Foodexpo, ngoài tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới khách mua hàng trong nước và quốc tế, doanh nghiệp này còn được tham gia kết nối trực tiếp B2B với các nhà nhập khẩu đến từ Nhật Bản. |
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T - đánh giá: Việc được tham gia hàng loạt các chương trình triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế như Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022 (Pháp), Hội chợ Rau quả Asia Fruit Logistica 2022 (Thái Lan)… đã góp phần đưa nông sản của Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường thế giới. “Thông qua những hội chợ, triển lãm này, doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng, có thêm thông tin và sự hiểu biêt về thị trường ngành rau quả tươi”- ông Tùng khẳng định. Đồng quan điểm, ông Lê Quang Nguon - Giám đốc Kinh doanh của Công ty TNHH Green Powers (Bến Tre) - cho biết: Việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế đã giúp doanh nghiệp này đã tiếp cận được rất nhiều đối tác tiềm năng. “Chúng tôi xác định việc kết nối giao thương cũng như tham gia các hoạt động triển lãm rất quan trọng. Bởi khi tham gia những hoạt động này doanh nghiệp sẽ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với đối tác, mở ra cơ hội kinh doanh tốt hơn”- ông Nguon chia sẻ. |
Có thể thấy xúc tiến thương mại đã “chắp cánh” cho hàng loạt mặt hàng nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương đẩy mạnh. Điển hình như Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022 (Pháp), Hội chợ Rau quả Asia Fruit Logistica 2022 (Thái Lan), các phiên tư vấn xuất kahaur sầu riêng vào Trung Quốc, tư vấn xuất khẩu cà phê sang Châu Phi… Các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt sớm ngay từ đầu năm các thông tin, cơ hội thị trường để có cơ hội và kế hoạch tìm kiếm, hợp tác với các đối tác kinh doanh, phát triển thị trường phù hợp trong năm, qua đó từng bước phục hồi sản xuất và các hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường trên thế giới, tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường xuất khẩu mới. Cùng với Bộ Công Thương, các Sở Công Thương địa phương cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ vận động doanh nghiệp tham gia Xúc tiến thương mại. Bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động Xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tăng cường tiêu thụ nông sản qua các kênh liên kết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “phi truyền thống” như liên kết các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới. Ngoài ra, quảng bá các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, các vùng chuyên canh, nguyên liệu của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử; cập nhật thường xuyên thông tin thị trường các sản phẩm cùng loại trên sàn giao dịch điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh… Cung cấp thông tin danh sách các doanh nghiệp và hình ảnh những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đăng trên cổng thông tin của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) và website, cổng thông tin điện tử của Sở Công thương. Triển khai các quyết định của UBND tỉnh nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống các cửa hàng, phát triển sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản an toàn. |
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ gần 150 lượt doanh nghiệp tham gia 15 sự kiện hội chợ thương mại, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trong nước. Hỗ trợ khoảng 170 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối giao thương, tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức tại Long An và các tỉnh. Gửi sản phẩm tiêu biểu mang thương hiệu Long An của 9 doanh nghiệ trong tỉnh tham gia kết nối giao thương tại Hy Lạp và Bungari, Trung Quốc. Mặc dù xúc tiến thương mại đem lại nhiều kết quả tích cực, song để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại nông sản nói riêng nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải làm. |
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T cho biết, dù xúc tiến thương mại giúp mở thêm nhiều thị trường song hàng rào kỹ thuật khó khăn nhất đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm tuyệt đối. Cụ thể như phải có chứng nhận Global GAP, nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Tất cả những điều kiện này đã được công ty chuẩn bị từ nhiều năm trước cho nên việc đàm phán bán hàng diễn ra thuận lợi. Tuy kết quả trước mắt có thể khích lệ ngành xuất khẩu rau củ quả của nước ta, nhưng trong tương lai gần phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của nhiều nước, nên các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ. Các doanh nghiệp có thể tận dụng hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để biết được hình thức hoạt động, kinh doanh của đối tác. Những năm gần đây, các tham tán thương mại Việt Nam hoạt động rất hiệu quả, nhờ đó, Vina T&T đã nhận được nhiều hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu tại các thị trường. |
Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu, thông tin tuyên truyền, bán hàng trực tuyến... để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại. |
Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu, thông tin tuyên truyền, bán hàng trực tuyến... để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do; phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt những thời cơ và thách thức khi hội nhập với quốc tế, cũng như có biện pháp tích cực và chủ động phòng tránh rủi ro để phát triển xuất khẩu. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh... để doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... từ đó khai thác hiệu quả lợi ích của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, RCEP... |
Thực hiện: Thùy Dương - Hà Duyên - Ngọc Thảo – Thanh Vân |