Năm 2022, trước nhiều biến động của thị trường, công tác xúc tiến thương mại đã được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt triển khai đã thành công nối cầu đưa hàng Việt tiến rộng ra thị trường thế giới. Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã trả lời phỏng vấn của Báo Công Thương xung quanh vấn đề này. |
Năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, xin ông cho biết kết quả đạt được của những hoạt động này? Năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại liên tiếp tổ chức các phiên tư vấn thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp nhận diện được xu hướng thị trường, những quy định, cập nhật chính sách để điều chỉnh, phát triển các dòng sản phẩm mang thương hiệu phù hợp nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới. Tổ chức quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm: Anuga (Đức), Sial (Paris), BioFach (Đức)... Phối hợp cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường thực hiện các showroom trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam tại trụ sở Thương vụ. Tổ chức với tần suất cao, mật độ lớn các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu trong các lĩnh vực ngành hàng xuất khẩu triển vọng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng từ xa và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động này, nhiều mặt hàng của Việt Nam xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp hơn, tin cậy hơn đối với nhà nhập khẩu trên thế giới, là bước đệm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trong dài hạn. Góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng. |
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức định kỳ hàng tháng được đánh giá là nét mới, có tính sáng tạo cao, ông nhận định sao về ý kiến này? Kể từ tháng 7/2022, Cục Xúc tiến thương mại được giao tổ chức định kỳ hàng tháng Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Mục tiêu nhằm giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại. Sau mấy kỳ triển khai, Hội nghị đã trở thành cầu nối cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp trong nước kết nối trực tiếp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các đại diện thương mại, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hiệu quả cùng thực hiện định hướng, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra : “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, phấn đấu thặng dự thương mại bền vững”. |
Qua thực tế, ông nhận định ra sao về điểm mạnh và điểm còn hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu. Về điểm mạnh, doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam tương đối nhạy bén trong chuyển đổi số và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thích ứng với điều kiện kinh doanh mới. Về điểm yếu, nhiều doanh nghiệp còn chưa chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Còn thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp có ngoại ngữ, có kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại, có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, biết cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cùng đó, vẫn có những doanh nghiệp chưa có ý thức đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các qui định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. |
Với những điểm hạn chế cùng xu hướng tiêu dùng thế giới đã chỉ ra, theo ông doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục, bắt nhịp với những thay đổi, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần của hàng Việt? Để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, bắt nhịp với những thay đổi liên tục của xu hướng tiêu dùng thế giới, ngoài vấn đề về chất lượng và sự khác biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, quan tâm đến công tác đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài. Đây có thể xem là việc quan trọng để đảm bảo thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, rắc rối, chồng chéo, đã tạo cơ hội cho tình trạng nhái mẫu mã để làm hàng giả khá phổ biến. Thứ hai, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường. Nếu không thực hiện thường xuyên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng xuất khẩu các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường như thiết kế kích thước, màu sắc, kiểu dáng ... Thứ ba, tìm kiếm liên kết để xây dựng thương hiệu Việt, cụ thể là kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cần tập trung vào những mặt như cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm… làm sao để sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài đáp ứng được không chỉ thị hiếu khách hàng mà còn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nước bạn. |
Với vai trò chủ trì thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại dự kiến có kế hoạch cũng như có điểm mới gì trong triển khai các hoạt động để đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp trong đẩy mạnh xuất khẩu? Trong năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, cụ thể: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, thâm nhập thị trường xuất nhập khẩu như tổ chức hoạt động kết nối giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại cấp vùng và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu ở các cấp độ từ quốc gia đến ngành hàng, sản phẩm. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. |
Thực hiện: Việt Nga - Phương Cúc |