Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt khoảng 732 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây là nỗ lực rất lớn của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu. ------ |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 11 tháng năm 2022, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt xấp xỉ 674 tỷ USD. Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021). Điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu cả nước trong năm qua là xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn từ thị trường thế giới.
|
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu thời gian vừa qua có những nguyên nhân do các doanh nghiệp đã sớm ổn định phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19 từ quý IV năm 2021. Nhập khẩu nguyên liệu gia tăng phục vụ cho sản xuất là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu. “Đây cũng là thời điểm các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng. Với những thị trường lớn như EU, Anh, khối CPTPP, thị trường châu Á Thái Bình Dương… các hiệp ddinh tạo ra xung lực tốt, đặc biệt với những khu vực thị trường mà chúng ta chưa từng có FTA như Canada, Peru, Mexico…” – ông Trần Thanh Hải chỉ rõ. |
Thêm nữa, thời gian qua, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhất. Theo đó, Bộ Công Thương đã tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu như trước đây, phần lớn đều là doanh nghiệp phải đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì hiện nay, Bộ Công Thương đang đi theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận nhằm giảm bớt thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành là đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử. Hiện nay trong ASEAN đã cấp C/O điện tử 100%. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động cấp C/O điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận dữ liệu điện tử để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với rất nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, khối EAEU… Đặc biệt, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022 là nhóm hàng nông sản đã có sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều nhóm hàng như cà phê, chè, tiêu, sắn, gạo… |
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. |
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023, ông Trần Thanh Hải cho rằng, dự báo xuất nhập khẩu sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là do tình hình xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina chưa có tín hiệu chấm dứt sớm. Bên cạnh đó, suy thoái toàn cầu đã dẫn đến giảm cầu ở nhiều thị trường, ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã đặt ra 1 số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thông tin về các FTA. Đây được coi là công cụ dài hạn để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung vào các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, nhất là khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới. |
Song song với đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của kênh thương mại điện tử - công cụ mà ta đã tận dụng rất tốt những năm vừa qua. Đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, nỗ lực giảm chi phí logistics để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Hải chỉ rõ, sau những thử thách thời gian qua, tính chủ động của doanh nghiệp chính là yếu tố sống còn để vượt khó khăn. Có thể thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chịu những ảnh hưởng tạm thời, gây sụt giảm doanh thu và quy mô xuất khẩu nhưng nếu có các giải pháp ứng phó với rủi ro thì khi điều kiện thuận lợi hơn, việc xuất khẩu tăng trưởng trở lại là điều hoàn toàn có khả năng. “Với những doanh nghiệp xuất khẩu tốt rồi thì tuyệt đối không được chủ quan với thành tích vì bối cảnh hiện nay đang tồn tại những biến động nhanh khó dự đoán được. Việc chuẩn bị kỹ càng cho từng thời điểm là yếu tố quan trọng” – ông Hải nói. |
Về lâu dài, việc xây dựng được 1 đội ngũ chuyên nghiệp là yếu tố lâu bền cho xuất khẩu trong tương lai. Bởi thời gian qua đã xảy ra một số vụ lừa đảo hoặc doanh nghiệp giao hàng đến 1 số thị trường không được tiếp nhận dẫn đến lưu công, lưu bãi. Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra, nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin nên khi xảy ra sự cố dẫn đến bất ngờ và lúng túng. Do đó, việc có được một đội ngũ chuyên nghiệp, cùng với quá trình tăng cường hội nhập sẽ là cơ hội để doanh nghiệp làm quen và cọ sát với thị trường thế giới, có sự chuẩn bị, mở rộng, nâng cao kiến thức để giúp doanh nghiệp có phương án ứng phó thích hợp và giảm thiểu rủi ro. |
Thực hiện: Nhóm Phóng viên |