Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 9%, cao hơn mức tăng 3,8% của cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng 9,5% của cùng kỳ 2019. |
|
Bà đánh giá như thế nào về bức tranh công nghiệp Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022? Sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 đang trên đà phục hồi và phát triển, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại trong tháng 10/2022. Một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng cao và ổn định, tuy nhiên một số ngành có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm do phải đối mặt với những khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, giá một số mặt hàng dịch vụ tăng, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm tăng 9% cao hơn mức tăng 3,8% của cùng kỳ năm 2021 và 2,6% của năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Trong giai đoạn 2016-2019, hoạt động sản xuất công nghiệp của nước ta luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân của toàn ngành tăng 9,5%/năm. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, IIP bình quân toàn ngành công nghiệp của cả nước chỉ tăng 4%/năm, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. |
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngay từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, từ tháng 2/2022 đến tháng 9/2022, sản xuất công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng với IIP toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm liên tục tăng cao, bình quân tăng 9,3%/tháng. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%. |
Trong tăng trưởng của ngành công nghiệp, bà đánh giá như thế nào về xu hướng tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 10 tháng năm 2022? Sau nhiều tháng liên tục tăng cao, tháng 10/2022 sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 6,3% so với cùng kỳ. Vào tháng 10/2021, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, đặc biệt 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi có nhiều trung tâm công nghiệp lớn sản xuất đã dần ổn định trở lại. Do đó, trên nền đã bước đầu ổn định của tháng 10/2021, ước tính sản xuất công nghiệp tháng 10/2022 không tăng cao như những tháng đầu năm 2022. Đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vai trò chủ đạo, tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng với mức tăng IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khá cao từ 9,7% đến trên 14% trong 8 tháng qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, ước tính tháng 10/2022 chỉ số sản IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 5,7%. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm vẫn duy trì đà tăng trưởng cao và ổn định trong 10 tháng qua. Cụ thể, ngành sản xuất thực phẩm luôn tăng trưởng ổn định từ đầu năm 2022 và có xu hướng tăng cao ở các tháng cuối năm, tháng 9 tăng 14,1% và ước tháng 10 tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến và bảo quản rau quả ước tháng 10/2022 tăng 18,8%; ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 16%; ngành xay xát và sản xuất bột thô tăng 15% và tăng thấp nhất là ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản với 8,6%. Ngành sản xuất thực phẩm vẫn luôn phát huy tầm quan trọng, thế mạnh và là ngành tiềm năng của nền kinh tế. |
Ngành sản xuất đồ uống liên tục tăng cao từ tháng 2, tháng 9 tăng 68,9% và ước tháng 10 tăng 34%. Trong đó: Sản phẩm bia các loại tháng 9 tăng 67,9%, ước tháng 10 tăng 35%; sản phẩm bia đóng lon tăng cao nhất với tháng 9 tăng 91,4%, ước tháng 10 tăng 45,5% so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, ngành sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng cũng tăng cao với tháng 9 tăng 50,4% và ước tháng 10 tăng 25,8%. Nguyên nhân do những tháng đầu năm 2020, ngành sản xuất đồ uống bị tác động kép bởi dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt làm cho sản lượng sản xuất sụt giảm nghiêm trọng. Bước sang năm 2022 ngành sản xuất đồ uống phục hồi và tăng trưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các doanh nghiệp cũng nhanh nhạy hơn trong việc chuyển đổi mặt hàng sản xuất. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 7,41 điểm phần trăm vào mức tăng 9,0 % của toàn ngành công nghiệp. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng 4,1% của cùng kỳ năm 2020, mức tăng 5,1% của cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức tăng 10,8% cùng kỳ năm 2019 – là năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. |
Từ những phân tích trên, xin bà cho biết, đâu là những thách thức đối với tăng trưởng công nghiệp những tháng cuối năm và chúng ta cần có những giải pháp gì để “hoá giải” thách thức này, thưa bà? Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp nước ta có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố từ bên ngoài như: Sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; Diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine; Giá cả nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá cả đầu vào sản xuất tại Việt Nam; Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc tiếp tục đóng cửa biên giới. Bên cạnh đó, vẫn tồn tai một số khó khăn từ nội tại nền kinh tế Việt Nam như: Việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn; Xuất khẩu đối mặt với rủi ro, thách thức không nhỏ khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành, địa phương; Công tác đào đạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao. |
Để ngành công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2022 vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, theo tôi, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: |
Trong đó, đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần đảo đảm điều kiện sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bằng cách kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đặc biệt là nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng hơn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tiếp tục triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng mới, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai. Cùng với đó, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới. Xin trân trọng cảm ơn bà! |
Thực hiện: Nguyễn Hoà – Thanh Vân |