![]() |
Khẩn trương và chủ động chuẩn bị thị trường, nhất là thị trường nội địa cho tiêu thụ nông sản tránh tình trạng ùn ứ là một trong những nhiệm vụ lớn của Cục Xúc tiến thương mại trong năm 2023, bà Trịnh Huyền Mai - Phó trưởng Phòng Chính sách Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh nội dung này. ----- |
![]() |
* Thưa bà, Cục Xúc tiến thương mại đã và sẽ triển khai những hoạt động gì nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản đến vụ cho bà con nông dân? Tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Với nguyên tắc sớm và coi thị trường trong nước là nền tảng, trước mắt Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong nước và thị trường nước ngoài. Nhiệm vụ này, Cục Xúc tiến thương mại thực hiện với hình thức đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng như: Hội chợ, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện văn hóa - du lịch lớn, đặc biệt là chuỗi chương trình kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cho mặt hàng nông sản cụ thể của địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm sản lượng lớn, đến vụ hoặc sắp đến vụ. Mục tiêu hỗ trợ các nhà cung ứng nông sản địa phương kết nối với các đầu mối thu mua nông sản phục vụ sản xuất, chế biến, các đầu mối phân phối sản phẩm qua các kênh chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... thúc đẩy phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm đến vụ, đồng thời duy trì, mở rộng xuất khẩu cho các vụ sau. |
![]() |
Thứ hai, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam. Khai thác quan hệ hợp tác đã được thiết lập với các tập đoàn phân phối đã hiện diện tại Việt Nam như: Aeon; Lotte; Mega Market; Big C; Decathlon .... để thông qua bộ phận xuất khẩu của họ thúc đẩy việc thu mua, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tại hệ thống phân phối của các tập đoàn này trên thế giới. Thứ ba, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thụ hoạch trước mắt, vừa hỗ trợ các địa phương khai thác kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả, phát triển thương mại đa kênh. Tuy nhiên về dài hạn, để tiêu thụ hết nông sản cho bà con vẫn phải giải quyết từ gốc của vấn đề, nghĩa là sản xuất nông nghiệp phải theo tín hiệu của thị trường. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ, ngành liên quan và địa phương định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo đúng nhu cầu của thị trường. |
![]() |
* Qua nhiều năm đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, bà nhận định như thế nào về vai trò của thị trường nội địa đối với tiêu thụ mặt hàng này? Đâu là thách thức Cục Xúc tiến thương mại nói riêng, các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung trong mở rộng tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa? Thị trường trong nước vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm nông sản. Một mặt, giảm áp lực cho hoạt động xuất khẩu nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bất lợi, khó lường. Mặt khác, bình ổn thị trường trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giúp người tiêu dùng trong nước được tiêu thụ các sản phẩm đúng vụ có chất lượng cao, giá cả phù hợp, tiêu dùng thuận tiện. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Ở góc độ sản xuất, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chính người nông dân đang có sự bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp, chất lượng sản phẩm nông sản chưa có sự đồng đều, năng lực cung ứng số lượng lớn để vừa tiêu thụ nội địa vừa đẩy mạnh xuất khẩu chưa cao. Nhiều địa phương, việc tổ chức sản xuất không tuân thủ quy hoạch, chưa theo tín hiệu thị trường dẫn đến tình trạng dư thừa, mất giá hoặc khi thị trường có nhu cầu, được giá thì lại không có sản phẩm để bán. Ở góc độ xúc tiến thương mại, hiện nhiều địa phương trên cả nước còn thiếu cơ sở hạ tầng để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng, cấp quốc gia. Đơn cử, ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia. Mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh. Tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng. |
![]() |
*Xúc tiến tiêu thụ nông sản đang được nhiều Bộ, ngành triển khai với nội dung, hình thức không có nhiều khác biệt dẫn đến lãng phí nguồn lực, bà nhận định như thế nào về ý kiến này? Cục Xúc tiến thương mại có đề xuất gì để hạn chế tình trạng này và để hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao nhất? Như đã chia sẻ, tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng. Do đó chúng tôi cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành, với các địa phương khác trong vùng và liên vùng; tích cực tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia. Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ xúc tiến thương mại tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung. |
![]() |
Cơ chế liên kết cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài không chỉ về thông tin mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động xúc tiến thương mại chúng ta ngày càng vươn ra thị trường thế giới. Các địa phương cần xây dựng chiến lược theo dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương. Đồng thời, tăng cường thông tin trao đổi, phối hợp với các địa phương khác nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trong nước và xuất khẩu. |
![]() |
Các địa phương cũng cần chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại theo hướng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lựa chọn một số mặt hàng thế mạnh để tập trung xúc tiến thương mại theo ưu tiên về thị trường; chủ động tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia chuyên đề cho các sản phẩm cùng chủng loại, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý…; tập trung lựa chọn và hỗ trợ các sản phẩm đặc sản địa phương thâm nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước. |
![]() |
*Xuất phát từ thực tế thị trường và thách thức đặt ra, Cục Xúc tiến thương mại có giải pháp gì để khắc phục khó khăn và hỗ trợ tiêu thụ bền vững cho mặt hàng nông sản tại thị trường nội địa? Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, hội chợ, triển lãm, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, nông sản mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương... Qua đó, giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua để sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân. Về kế hoạch xúc tiến thương mại mang tính bền vững, dài hạn, chúng tôi sẽ tập trung việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản địa phương thông qua một số giải pháp cụ thể: Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng địa phương áp dụng truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; huấn luyện về kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng. Huy động các nguồn lực, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, và các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba huấn luyện, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, các kỹ năng quảng bá bán hàng trên môi trường số, kỹ năng bán hàng livestream, đưa công nghệ thông tin đến các nhà cung ứng địa phương, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng vào xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại và phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. |
![]() |
Thực hiện: Phương Lan - Việt Nga - Trang Anh
|