Longform
05/10/2023 11:19
Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

05/10/2023 11:19

Từ những tiềm năng riêng biệt, tỉnh Hưng Yên đã phát triển mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, mang lại giá trị cao và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Với tiềm năng, thế mạnh riêng có, tỉnh Hưng Yên đã phát triển mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, mang lại giá trị cao và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Phát huy thế mạnh địa phương

Nằm ven sông Hồng, những bãi bồi đầy ắp phù sa tích đọng ngàn đời đã cho Hưng Yên những thế mạnh không nhiều địa phương có được. Đó là những cánh đồng vụ nối vụ lúa tốt bời bời, những loại cây ăn trái quanh năm trĩu cành, tươi tốt. Chuỗi làng nghề biến hạt gạo, củ khoai, thịt, cá sông thành những thực phẩm chất lượng, đẹp mã, đưa vào Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, các đô thị vệ tinh…

Phát huy những thế mạnh đó, những năm vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Chương trình OCOP) nhằm tôn vinh, nâng tầm giá trị các sản phẩm địa phương. Với sự đồng hành của các địa phương, Đề án đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, là một trong những giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Hội đồng OCOP tỉnh ban hành các Kế hoạch: Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/1/2022 về việc thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2022; Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 22/11/2022 thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025.

Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và số lượng sản phẩm.

Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Trong tổng số 86 chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn Hưng Yên, có 45 HTX đã tham gia với khoảng 80 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Các HTX có sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh như nhãn, nghệ, chuối tiêu hồng, vải lai chín sớm, vải trứng Hưng Yên, mật ong hoa nhãn, long nhãn, cam Hưng Yên, sen Hưng Yên, cúc hoa.

Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng.

Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, việc xây dựng và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu ngành, quản lý thủy sản, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả.

Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như: Nhãn lồng Hưng Yên, nghệ Chí Tân (Khoái Châu), chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên, long nhãn Hưng Yên…

Ngoài ra, Chương trình OCOP tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Qua đánh giá, có khoảng 60% số chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên có doanh thu bình quân tăng khoảng 16%/năm, giá bán tăng bình quân khoảng 12%; thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Khơi dậy tính sáng tạo

Giá trị cao từ những sản phẩm OCOP đã giúp người dân nâng cao tính sáng tạo trong sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm OCOP độc đáo. Vẫn là những cây quất được tỉa lá, uốn cành ngày nào rồi đưa vào thương trường bằng những bọc đất chằng chịt dây dợ, nay đưa về lại loay hoay kiếm chậu sành, bưng bê chật vật, lấm lem đất cát mới có cây quất cảnh đón Tết. Cũng tại vùng quất Văn Giang từng cây tùy kích cỡ, kiểu dáng được “gom” vào các loại chum, chậu, lọ mặc nhiên giá trị được tôn lên, cũng mặc nhiên được khách hàng “rinh” về nhà. Sự đầu tư bài bản đó đã giúp sản phẩm được vinh danh thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Hay với quả nhãn, cũng là quả nhãn Hưng Yên, song giống nhãn muộn Miền Thiết (tập trung tại huyện Khoái Châu) lại có đặc trưng mà không loại quả nào có được. Giống nhãn này có đặc điểm quả to tròn, vỏ màu vàng sáng, cùi dày và giòn với vị ngọt đậm, thơm mát; là một trong những giống nhãn ngon cho năng suất cao.

Nhãn muộn Khoái Châu có thời gian thu hoạch khác biệt so với nhãn chính vụ, vào thời điểm từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10; thời gian treo quả trên cây dài nên nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán được giá cao. Đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn là ra hoa khi thời tiết ấm nên tỷ lệ hoa nhiều, đậu quả cao; lại ít chịu chịu ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất ổn định.

Do không chín vào thời điểm chính vụ, nhãn muộn Khoái Châu năm nào cũng được mùa mà không rớt giá, với mức cao hơn 30% so với giữa vụ. Hiện nay giá nhãn Miền Thiết được bán với giá 25.000 đồng/kg, nhãn siêu ngọt giá 40.000 đồng/kg.

Nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, sản lượng nhãn của huyện đã tăng lên, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn Hưng Yên, được người tiêu dùng tin tưởng và luôn bán được giá cao hơn giá nhãn đại trà từ 1,2 - 1,3 lần. Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Nguyễn Văn Thế - đại diện HTX Miền Thiết - xã Hàm Tử chia sẻ, HTX làm nhãn theo hướng hữu cơ, sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng hóa chất và thuốc diệt cỏ. Sử dụng phân chuồng, ngô đỗ và đậu tương sản xuất nhãn nên quả nhãn có chất lượng và giá cũng cao hơn so với cách làm truyền thống.

Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Hoặc cũng là con gà, quả trứng đưa ra thị trường tiêu thụ, song HTX Nguyễn Gia do ông Nguyễn Hữu Tuệ tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động (Hưng Yên) – người từng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 lại chú trọng việc chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP, vừa cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, HTX Nguyễn Gia nuôi hơn 7 vạn con gà đẻ trên diện tích hơn 6.000m2 được thiết kế khép kín, khoa học, hiện đại; mỗi chuồng đều có hệ thống làm mát khi trời nắng nóng, giữ ấm khi trời lạnh. Giống gà được HTX lựa chọn là gà siêu trứng khỏe mạnh, dễ nuôi, mắn đẻ, ít dịch bệnh, năng suất trứng đạt 270 - 300 quả/năm, cho sản lượng 3 vạn quả trứng/ngày, tiêu thụ tại các thị trường lớn, các bếp ăn công nghiệp; doanh thu bình quân đạt hơn 200 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 3,6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 9 lao động với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

Việc chăn nuôi theo mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giúp HTX giảm chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có giá thành cạnh tranh, đầu ra thuận lợi, nâng cao thu nhập cho thành viên. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi theo quy trình VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời, tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để thành viên yên tâm sản xuất. Hiện nay, trứng gà của HTX Nguyễn Gia đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Longform | Hưng Yên: Khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, Chương trình OCOP còn góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề, làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang từng bước được triển khai thực hiện tại một số địa phương. Từ đó góp phần tạo sinh kế bền vững hơn cho người dân địa phương.

Bảo Ngọc - Linh Chi

An Giang quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng Hà Giang: Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP Giải pháp nào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP ngành cà phê?

Bảo Ngọc - Linh Chi

Có thể bạn quan tâm

Xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh

Xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh diễn ra từ ngày 26-30/4.
Hơn 30 tỉnh, thành tham gia Hội chợ triển lãm

Hơn 30 tỉnh, thành tham gia Hội chợ triển lãm ''Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024''

Tối 26/4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm "Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024".
Quảng Ninh: Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

Quảng Ninh: Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

Chiều 26/4, Lễ khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã diễn ra tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh.